OCOP Hà Nội

Phát triển thương hiệu nấm Kinoko Thanh Cao

Ngọc Quỳnh 10/07/2024 - 06:43

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với thực tiễn.

Các mô hình này không chỉ tạo ra nguồn nông sản chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, mà còn giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn. Một trong những ví dụ sinh động đó là mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao của Nhật Bản.

nam-an.jpg
Sản xuất nấm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Nguyễn Quang

Phát triển thương hiệu bằng chất lượng

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ cho biết, năm 2005, công ty xây dựng nhà xưởng đầu tiên ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai), nhưng sau trận lụt kỷ lục năm 2008, công ty đã chuyển cơ sở sản xuất nấm về xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức). Công ty đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng hệ thống sản xuất nấm hoàn chỉnh, bao gồm các khu vực: Phòng cấy giống, phòng ươm, phòng đóng gói và thu hoạch trên tổng diện tích 3ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2 và 100% máy móc, thiết bị, nắp, lọ nhựa, rổ nhựa, giấy cuốn cổ và giống nấm được nhập khẩu từ Nhật Bản. Các nguyên liệu đầu vào như: Cám gạo, cám ngô, khô đậu, cám mỳ, bã củ cải đường Hy Lạp... đều được công ty kiểm soát chất lượng chặt chẽ, không có chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng chất bảo quản và chất tăng trưởng. Do đó, hàm lượng chất dinh dưỡng nhiều hơn, vị của sợi nấm cũng thơm và ngọt hơn, nên các sản phẩm nấm của công ty có thời gian bảo quản ngắn hơn so với các loại nấm khác đang bày bán trên thị trường. Hiện các sản phẩm của công ty chiếm 95% là nấm kim châm, còn lại có nấm hương, nấm linh chi, nấm bào ngư…, năng suất đạt 3 tấn/ngày. Nhờ vào chất lượng sản phẩm, nấm kim châm Kinoko Thanh Cao đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao, có gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên địa bàn cả nước, mới đây công ty đã xây dựng thêm cơ sở sản xuất nấm Kinoko Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Theo đó, Kinoko Long Khánh là thành viên của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao - một đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các loại nấm đạt tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng) tại Việt Nam. Với phương châm "Nấm vì dân", công ty không ngừng nỗ lực để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nấm tươi ngon, an toàn và bổ dưỡng. Doanh thu của công ty đạt 2-3 tỷ đồng/tháng/1 nhà máy và tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương, với mức lương 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Là khách hàng thường xuyên sử dụng các loại nấm kim châm của Kinoko Thanh Cao, bà Đào Thị Thanh Vân ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) chia sẻ: “Trên thị trường hiện có rất nhiều loại nấm kim châm, song để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, tôi thường xuyên vào siêu thị mua nấm Kinoko Thanh Cao. Sản phẩm không chỉ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có ngày sản xuất và hạn sử dụng, mà nấm ăn rất thơm, ngon”.

Minh bạch thông tin sản phẩm nấm trên thị trường

Hiện sản phẩm nấm Kinoko Thanh Cao có giá bán cao gấp 1,5 lần so với nấm nhập khẩu, nên công ty không chọn kênh bán lẻ tại các chợ truyền thống, mà chọn hướng đi bền vững là phân phối vào kênh siêu thị Winmart, Bách hóa xanh với chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao Dương Thị Thu Huệ, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Thủ đô nói chung và nấm của công ty nói riêng đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được nhập khẩu vào trong nước, nhưng lại gắn nhãn mác của Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng với giá rẻ, dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, việc tiêu thụ cũng khó khăn. Ngoài ra, do thời tiết nắng nóng, thường xuyên mất điện, khiến cho việc sản xuất của công ty bị gián đoạn, nếu không có máy phát điện, thì toàn bộ mẻ nấm đang sản xuất sẽ bị hỏng, lỗ hàng trăm triệu đồng. “Để mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nói chung và nấm Kinoko Thanh Cao nói riêng, công ty đề nghị các sở, ngành tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tham gia chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước…”, bà Dương Thị Thu Huệ nói.

Đáng chú ý, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là doanh nghiệp đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội. Thành công của Kinoko Thanh Cao đã mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp trồng nấm công nghệ cao của Hà Nội. Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và tiến tới xuất khẩu. Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao về kỹ thuật, xúc tiến thương mại… để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố.

“Hà Nội sẽ hỗ trợ, duy trì và phát triển các điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, giúp nhiều người dân được sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”, bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh.