Ngoại giao văn hóa phục vụ phát triển bền vững đất nước
Chiều tối 9-7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác Ngoại giao văn hóa năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc - Trưởng ban Chỉ đạo công tác Ngoại giao văn hóa, cùng 94 Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước bước ngoặt chuyển sang cục diện mới, đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc, cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt hơn, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống rõ ràng hơn, ngoại giao văn hóa được các nước xem như công cụ hiệu quả trong giảm thiểu bất đồng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, với thế và lực mới cùng với đòi hỏi của đất nước trong bối cảnh mới, hơn bao giờ hết, công tác ngoại giao văn hóa phải thực sự được đặt ngang tầm với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, góp phần triển khai thành công đường lối đối ngoại, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của đất nước, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín quốc gia.
Trong phiên thảo luận, các Đại sứ Việt Nam tại các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Bỉ, Angeria, Australia, Italia, Nam Phi, Brazil, Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU), tại UNESCO… và các đơn vị của Bộ Ngoại giao đã thảo luận sôi nổi, thực chất.
Các đại biểu cho rằng, về cách thức triển khai, cần có trọng tâm trọng, trọng điểm, có chiến lược tổng thể, dài hạn, có sản phẩm văn hóa chủ lực, khai thác điểm đồng về văn hóa, phù hợp của từng địa bàn, đối tượng.
Về nội dung, cần tập trung lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử hào hùng, tinh thần hòa hiếu, nhân văn của người Việt Nam, đặc biệt thông qua hình tượng Hồ Chí Minh và các danh nhân, anh hùng dân tộc người Việt Nam đã được quốc tế vinh danh.
Về sản phẩm, các đại biểu nhấn mạnh cần tập trung vào thế mạnh như: Tiếng Việt, ẩm thực, võ thuật, điện ảnh, di sản đã được UNESCO ghi danh, các sản phẩm văn hóa vùng miền…
Các đại biểu cũng nhất trí công tác ngoại giao văn hóa cần phải liên tục đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ làm phong phú nội dung, hình thức của các hoạt động ngoại giao văn hóa.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó ngoại giao chính trị là chủ công, ngoại giao kinh tế là đột phá, ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần tạo nên bản sắc của ngoại giao Việt Nam, đồng thời khẳng định phương châm “Ngoại giao văn hóa lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” và công tác ngoại giao văn hóa là quá trình thường xuyên, liên tục, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Do vậy, trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách; Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế; Tăng cường gắn kết ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, thiết thực hỗ trợ trợ kết nối cho phát triển du lịch, thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển kinh tế.
Quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới; Hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, nâng tầm đối ngoại đa phương, đảm nhận tốt vai trò; kết hợp hiệu quả giữa ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại; Tăng cường chuẩn hóa, tăng cường hàm lượng văn hóa liên quan đến con người, trụ sở cơ quan đại diện, quà tặng đối ngoại, phản ánh bản sắc văn hóa của ngoại giao Việt Nam...