Môi trường

Phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại

Hoàng Sơn 09/07/2024 - 18:58

Chiều 9-7, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ trang trọng tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập (9/7/1994-9/7/2024). Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh dự chỉ đạo hội nghị.

tnmt.jpg
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng hoa chúc mừng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. Ảnh: Khương Trung

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ trước đây là Viện Khoa học và Công nghệ Địa chính trực thuộc Tổng cục Địa chính, được thành lập cách đây tròn 30 năm vào ngày 9-7-1994; trải qua 30 năm, bằng tâm huyết, trí tuệ, niềm say mê khoa học và tinh thần trách nhiệm cao đối với ngành, đất nước, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ đã tiếp nối xây dựng đơn vị trở thành một đơn vị nghiên cứu hàng đầu về đo đạc bản đồ.

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đặc biệt ghi dấu ấn với những thành tựu nổi bật, như: Nghiên cứu thành công công nghệ ảnh số và đưa vào quy trình sản xuất “Thành lập bản đồ địa chính cơ sở của các địa phương”; đưa công nghệ GPS vào xây dựng các mạng lưới tọa độ quốc gia và mạng lưới địa chính cơ sở ở các địa phương.

3tnmt.jpg
Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thăm hỏi, chúc mừng cán bộ, nhân viên Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. Ảnh: Khương Trung

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cũng đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu cơ sở dữ liệu trường trọng lực toàn cầu, lưới trắc địa động lực độ chính xác cao, cơ sở dữ liệu thông tin địa lý Việt Nam - Lào - Campuchia, hệ thống bản đồ cơ bản 1:1.000.000 theo tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu cơ sở khoa học và phương pháp luận xác định hệ thống mặt chuẩn mực nước biển và nghiên cứu biến động mực nước, phục vụ phát triển bền vững ven biển và biển đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức nghiên cứu sang nhiều lĩnh vực mới như LiDAR, GPS động…

2tnmt.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Khương Trung

Đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, Viện cũng đã đi trước đón đầu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (GeoAI), GIS, viễn thám, thiết kế, chế tạo thiết bị thu nhận (GNSS, quan trắc tiếng ồn, UAV, USV…) và các phần mềm đi kèm để giám sát hiện trạng tài nguyên đất, nước; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ UAV, Georadar, LiDAR mobile mapping trong đo đạc và thành lập bản đồ, tổng quát hóa bản đồ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Viện cần ưu tiên lựa chọn nghiên cứu một số công nghệ lõi, như: Điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Viện nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại để tham gia xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia theo phương châm “Đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ các lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường và làm nền tảng quan trọng, cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước…

Ngoài ra, Viện cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; tạo lập môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương; thật sự phát huy tự do sáng tạo; trong đó, xác định nghiên cứu khoa học là công việc rất khó, đòi hỏi mỗi người phải hết sức tâm huyết, say mê, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau...