Phát triển logistics xanh là chuyện “ngay bây giờ”
Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc.
Thông tin được đưa ra tại tọa đàm có chủ đề “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức chiều 9-7 tại Hà Nội.
Xanh hóa logistics là yêu cầu bắt buộc
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương liên quan trong “phát triển logistics xanh” gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh...
Khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI cho thấy, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm.
Trước xu thế đó, phát triển logistics xanh trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm.
Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã xác định “phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững”.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, xây dựng một ngành logistics bền vững và có khả năng thích ứng nhanh là rất cấp bách, là xu hướng tất yếu.
Theo ông Hiệp, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.
"Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc. Phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (net zero) mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26", ông Hiệp nhấn mạnh.
Cần nhiều chính sách hơn nữa
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp đã và đang có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi xanh, phát triền bền vững. Trong đó xác định, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển bền vững.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện. Đây vẫn là bài toán khó và thách thức với các doanh nghiệp. Hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, các doanh nghiệp có thể tìm cách thức tiết kiệm năng lượng trong quá trình hoạt động như sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn. Doanh nghiệp cũng cần năng cao hiệu suất, hiệu quả trong quy trình làm việc. Đây cũng là một yếu tố góp phần nâng cao khả năng thích ứng nhanh trong bối cảnh mới.
Về phía các cơ quan quản lý, Chính phủ cần tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh đề xuất, Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường. Đối với các doanh nghiệp, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Doanh nghiệp cũng cần tranh thủ sự khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải.
Theo ông Turgut Erkinsken, Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA), chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là mục tiêu quan trọng được FIATA đang hướng đến. FIATA luôn hướng đến việc cùng kiến tạo các giá trị và sự hợp tác. Từ phát triển logistics xanh với những tiêu chuẩn mới xuất hiện trong ngành công nghiệp, FIATA hỗ trợ thành viên xây dựng những kỳ vọng mới, dịch vụ mới.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) thông tin VLA đã giành quyền đăng cai tổ chức Đại hội thường niên Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải thế giới 2025 - FIATA WORLD CONGRESS 2025. Sự kiện lớn nhất của ngành logistics toàn cầu được tổ chức tại Việt Nam năm 2025 có chủ đề "Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh" sẽ thu hút sự tham gia của hàng nghìn đại biểu đến từ các doanh nghiệp, chuyên gia và lãnh đạo ngành logistics từ khắp nơi trên thế giới.