Nắng nóng ở miền Bắc kéo dài tới ngày 13-7
Nắng nóng tại Hà Nội gia tăng về cường độ, đạt mức gay gắt vào các ngày 11 và 12-7. Sau thời gian trên, nắng nóng suy yếu dần về cường độ.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, trưa và chiều nay (9-7), thành phố Hà Nội nắng nóng diện rộng; nhiệt độ cao nhất ghi được lúc 13h tại trạm khí tượng Láng là 36 độ C, Hoài Đức 35 độ C, Sơn Tây và Ba Vì 35,2 độ C, Hà Đông 34,8 độ C.
Chiều tối nay, vùng mây đối lưu sẽ gây mưa dông một số nơi của thành phố Hà Nội, bắt đầu từ các quận, huyện: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức...
Ngày mai (10-7), Hà Nội tiếp tục xảy ra nắng nóng diện rộng; nhiệt độ cao nhất khu vực trung tâm và phía Nam thành phố 35-37 độ C, phía Bắc và phía Tây 34-36 độ C. Thời gian xuất hiện nắng nóng, có nhiệt độ cao hơn 35 độ C là từ 13 đến 16h. Sang ngày 11 và 12-7, nắng nóng gia tăng về cường độ, đạt mức gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C.
Các nơi khác, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, ngày 10-7, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phía Nam tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất hơn 35 độ C. Sang ngày 11-7, nắng nóng diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi cao hơn 36 độ.
Cơ quan trên dự báo, nắng nóng ở miền Bắc có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 13-7.
Liên quan việc điều tiết nước hồ thủy điện, chiều tối 9-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện vào hồi 18h cùng ngày; đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc...