Khẩn cấp ngăn chặn bệnh bạch hầu
Sự việc nữ sinh 18 tuổi ở tỉnh Nghệ An tử vong do bệnh bạch hầu (ngày 5-7) khiến dư luận hoang mang. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạch hầu là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, lên đến khoảng 20%, nhất là với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh này ở nước ta còn thấp.
Bệnh tái xuất do tỷ lệ tiêm chủng thấp
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm B. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, bệnh lây qua đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi…; hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết địa phương. Do thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân (năm 1985) xuống 0,14/100.000 dân (năm 2000). Tính đến năm 2012, Việt Nam đã kiểm soát được bệnh bạch hầu với tỷ lệ mắc bệnh xuống dưới 0,01/100.000 dân. Năm 2021, cả nước chỉ có 6 ca bệnh và năm 2022 chỉ có 2 ca bệnh.
Thế nhưng, thời gian gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023 đã ghi nhận 58 ca, vượt yêu cầu đặt ra là tỷ lệ mắc dưới 0,05/100.000 dân. Ca bệnh tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang với 87,8% người mắc bệnh từ 6 tuổi trở lên, trong đó 3 ca đã tử vong.
Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 5 ca bệnh, trong đó một ca tử vong là nữ sinh 18 tuổi ở tỉnh Nghệ An. Một người bạn từng ở chung phòng với nữ sinh này cũng đã mắc bệnh và hiện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Điều đáng nói, tỷ lệ tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) trong năm 2023 đạt rất thấp, chỉ 55,7% (trong khi chỉ tiêu đặt ra là trên 80%). Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh bạch hầu quay trở lại.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng, qua điều tra dịch tễ, bệnh tái xuất hiện ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Có nhiều yếu tố dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp như ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ liều.
Thêm vào đó, thời gian qua cũng xảy ra tình trạng thiếu cục bộ vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, do đó, ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, tỷ lệ tiêm chủng không đạt yêu cầu. Trong khi đó, tại các thành phố, nhiều bà mẹ cho con đi tiêm phòng theo hình thức dịch vụ nên tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực này vẫn bảo đảm.
“Dù vậy, chúng ta cũng không được chủ quan. Khi bệnh bùng phát thì ở bất kỳ đâu, thành phố hay nông thôn, miền núi, những trường hợp không có miễn dịch đều có khả năng mắc bệnh có triệu chứng hoặc không triệu chứng, trở thành người lành mang trùng và lại lây bệnh cho người khác”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đắc Phu lưu ý.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất: Tiêm chủng!
Theo bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, bạch hầu gây ra các biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp như: Bạch hầu mũi, họng, thanh quản, khí phế quản… trong đó, khoảng 70% mắc bạch hầu họng.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, mệt, chán ăn, họng đỏ. Sau 2-3 ngày, mặt sau hoặc hai bên thành họng xuất hiện giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu, có thể phình to gây tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập đường máu, gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác như viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, đột ngột trụy tim mạch dẫn đến tử vong.
“Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong. Tiếp theo là các các biến chứng thần kinh chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân đang đặt phương tiện hỗ trợ trong cơ thể có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bạch hầu”, bác sĩ Bạch Thị Chính cảnh báo.
Để phòng bệnh lây lan trong cộng đồng, bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, tiêm chủng là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ trên 97%. Cơ thể chỉ cần 2-3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh.
Cụ thể, sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng vắc xin “5 trong 1” hoặc “6 trong 1” trong 2 năm đầu đời (vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc một mũi vắc xin có thành phần bạch hầu vào lúc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Người lớn cần tiêm nhắc vắc xin có thành phần bạch hầu 10 năm/lần.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị các địa phương rà soát, thống kê đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu; tổ chức tiêm bổ sung, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Ngoài ra, người dân nên khử khuẩn, vệ sinh môi trường sống, rửa tay với xà phòng thường xuyên. Nếu phát hiện người mắc, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để thực hiện cách ly và điều trị kịp thời. Người ở trong vùng dịch có biểu hiện ho, sốt, khó thở…, không tự ý điều trị mà nên đến trạm y tế để được thăm khám, chuyển tuyến...