Phát huy sức sáng tạo của các chủ thể hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa
Ngày 9-7, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, 8 năm qua, công nghiệp văn hóa (CNVH) tại Việt Nam đã dần định hình một hệ sinh thái sáng tạo da dạng, có đóng góp cụ thể cho sự phát triển đất nước (năm 2022 đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP và tạo khoảng 1 triệu việc làm). Các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, Thành phố sáng tạo có điều kiện phát triển, mở rộng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai “Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” bộc lộ hạn chế về nhiều mặt, cần tiếp tục tháo gỡ nhằm phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của các chủ thể hoạt động trong các ngành CNVH.
Tại hội thảo, 17 ý kiến trực tiếp của các đại biểu đã đưa ra những đóng góp phong phú, quan trọng cho dự thảo Đề án Chiến lược phát triển CNVH giai đoạn tới. Trong đó, các ý kiến tập trung đề xuất tiếp tục đối thoại tạo cơ chế đầu tư cho các ngành CNVH, chú trọng lực lượng doanh nghiệp sáng tạo văn hóa, thúc đẩy du lịch văn hóa…
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, nêu một số kinh nghiệm thúc đẩy CNVH, như: Chú trọng tu bổ các di tích, phối hợp các đơn vị nghiên cứu để bảo tồn các di sản phi vật thể, hỗ trợ cho nghệ nhân, thợ thủ công quảng bá giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống...
Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Le Bros, khoảng thời gian của Chiến lược từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là khá dài, đồng nghĩa sẽ có nhiều chuyển biến trong kinh tế - xã hội, vì vậy Chiến lược phải linh hoạt để đón nhận những luồng gió mới. Cụ thể, chúng ta đã có Hiệp hội Truyền thông số nhưng ngành này chưa được đưa vào Chiến lược phát triển CNVH. Hay lĩnh vực phần mềm, các trò chơi giải trí nhưng chúng ta không có lĩnh vực sản xuất sản phẩm số trên các nền tảng số...
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc hiện đang có sự phân biệt về mặt chính sách giữa các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, điều này hạn chế sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, bởi có cạnh tranh mới thúc đẩy được đội ngũ sáng tạo.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, các ý kiến đóng góp đã đi thẳng vào những hạn chế hiện nay của phát triển CNVH ở nước ta. Tới đây, Ban soạn thảo Đề án sẽ tiếp tục cập nhật các số liệu nhằm làm cơ sở vững chắc cho việc đưa ra các giải pháp phát triển CNVH thời gian tới.