Công nghệ

Nhà mạng thứ 3 trúng đấu giá băng tần dành cho 5G

Châu Anh 09/07/2024 15:53

Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã trúng đấu giá khối băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz), trở thành nhà mạng thứ 3 sở hữu băng tần dành cho 5G, sau Viettel và VNPT.

Đầu giờ chiều nay (9-7), cuộc đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3.800 - 3.900 MHz (khối băng tần C3) dành cho 5G đã diễn ra tại tòa nhà Cục Tần số vô tuyến điện (115 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Dự buổi đấu giá có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng.

Phiên đấu giá băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz) bắt đầu lúc 14h30. Việc đấu giá được tổ chức theo đúng quy định tại Quy chế đấu giá với việc chỉ có một tổ chức/doanh nghiệp tham gia đấu giá. Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz).

c17dd7d3800f22517b1e.jpg
Quang cảnh phiên đấu giá chiều 9-7. Ảnh: Thu Hương

Được biết, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt - đơn vị được lựa chọn là tổ chức đấu giá khối băng tần C3 - đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao để Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt và công bố kết quả theo quy định.

Băng tần 3.800 - 3.900 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 (5G) và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD). Thời hạn của giấy phép sử dụng băng tần là 15 năm. Giá khởi điểm của vòng đấu giá số 1 là trên 2.581 tỷ đồng; bước giá áp dụng là 25 tỷ đồng…

Theo Quy chế cuộc đấu giá tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3.800 - 3.900 MHz (khối băng tần C3), Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cũng quy định rõ về tình huống đấu giá trong trường hợp chỉ có 1 tổ chức đăng ký tham gia đấu giá, 1 tổ chức tham gia đấu giá, 1 tổ chức trả giá.

Cụ thể, việc xử lý tình huống đấu giá trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 17 Nghị định số 63/2023/NĐ-CP, được thực hiện như sau: Khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà chỉ có 1 tổ chức đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều tổ chức đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có 1 tổ chức tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều tổ chức tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có 1 tổ chức trả giá hoặc có nhiều tổ chức trả giá nhưng chỉ có 1 tổ chức trả giá cao nhất trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm, thì băng tần 3.800 - 3.900 MHz (C3) được bán cho tổ chức đó…

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2.500 - 2.600 MHz (khối băng tần là B1) dành cho 4G và 5G; băng tần 3.700 - 3.900 MHz dành cho 5G, được chia làm 2 khối: C2 (3.700 - 3.800 MHz), khối C3 (3.800 - 3.900 MHz).

Băng tần B1 được tổ chức đấu giá thành công vào ngày 8-3 và Tập đoàn Viettel trúng đấu giá với số tiền hơn 7.533 tỷ đồng. Khối băng tần C2 được tổ chức đấu giá thành công vào ngày 19-3 với giá hơn 2.581 tỷ đồng thuộc về Tập đoàn VNPT.

img_4555.jpg
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chúc mừng đại diện MobiFone đã trúng đấu giá băng tần 3.800 - 3.900 MHz, chiều nay 9-7. Ảnh: TH

Theo đại diện MobiFone, với việc giành được quyền sở hữu khối băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz) sẽ là cơ sở để MobiFone đẩy nhanh thương mại hóa dịch vụ 5G trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, tập trung tăng cường dịch vụ tại các thành phố lớn, khu vực sân bay, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp. Đồng thời, để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, MobiFone sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.