Bảo đảm an toàn thực phẩm "từ sản xuất đến... bàn ăn"
Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ - nói cách khác là kiểm soát khép kín theo chuỗi "từ sản xuất đến... bàn ăn".
Trong đó, công tác kiểm tra, thanh tra luôn được ngành chú trọng nhằm xử lý kịp thời vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Đẩy mạnh kiểm tra, thẩm định xếp loại
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh kiểm tra, thẩm định xếp loại, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; tiếp nhận bản cam kết kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn, bản sao giấy chứng nhận HACCP, ISO22000 và tương đương.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp thẩm định, xếp loại 164 lượt cơ sở (90 cơ sở cấp mới, 72 cơ sở cấp lại). Kết quả, 137 cơ sở xếp loại A/B (đủ điều kiện an toàn thực phẩm), chiếm 94%; 9 cơ sở xếp loại C; 18 không đánh giá xếp loại. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã cấp 137 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, các đơn vị của ngành đã tiếp nhận 121 bản cam kết kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn theo quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT (tăng 69% so cùng kỳ năm 2023); tiếp nhận 1 bản sao giấy chứng nhận ISO 22000:2008. Lũy kế đến nay, đã tổ chức tiếp nhận 67 bản sao giấy chứng nhận có xác nhận của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cơ sở quy định tại điểm K Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh công tác thẩm định cấp giấy, ngành Nông nghiệp đặc biệt chú trọng đến công tác giám sát lấy mẫu, cảnh báo nguy cơ an toàn thực phẩm.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, Hà Nội nhập lượng lớn sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến từ các tỉnh, thành phố khác. Do vậy, việc lấy mẫu sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm nhập vào thị trường Thủ đô.
Theo đó, 6 tháng đầu năm, đã thực hiện lấy 13 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản (3 mẫu quả, 4 mẫu gia súc, 3 mẫu gia cầm, 3 mẫu rau củ).
Kết quả các mẫu bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu phân tích (đạt 17,7% kế hoạch năm 2024, tương đương cùng kỳ năm 2023).
Đáng chú ý, để siết chặt quản lý an toàn thực phẩm, tháng 4, Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định 144/QĐ-CLCBTT về việc thành lập Tổ công tác triển khai lấy mẫu, giám sát cảnh báo chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối trên địa bàn Hà Nội năm 2024. Đây là cơ sở để ngành Nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở trong thành phố và hàng hóa nhập khẩu về Thủ đô.
Kênh thông tin cho người tiêu dùng "đối chiếu": tucongbo.sonnptnt.hanoi.gov.vn
6 tháng năm 2024, ngành Nông nghiệp đã tiếp nhận 1.743 bộ hồ sơ tự công bố sản phẩm (tăng 72% so cùng kỳ năm 2023), thực hiện hậu kiểm hồ sơ và đăng tải lên website 100% bản tự công bố sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn thuộc ngành Nông nghiệp tuyến thành phố quản lý.
Hà Nội cũng duy trì Hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản (tucongbo.sonnptnt.hanoi.gov.vn) để doanh nghiệp, người dân nắm được, có kênh thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp uy tín, chất lượng.
Không chỉ dừng lại ở đánh giá, kiểm tra, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, công tác kiểm tra, hậu kiểm, thẩm định định kỳ được duy trì, tránh trường hợp các đơn vị sau khi bảo đảm tiêu chuẩn lại xảy ra vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội đã tiến hành thẩm định đánh giá định kỳ đối 22 cơ sở, kết quả, 21/22 cơ sở xếp loại B, 1/22 cơ sở tạm dừng hoạt động; đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 2 cơ sở kinh doanh, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản liên quan phản ánh của VTV Online về mỡ trâu bò, sản phẩm phụ phẩm động vật bẩn, bốc mùi được sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Kết quả, 2 công ty đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Với công tác kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Chi cục đã kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản không bảo đảm an toàn thực phẩm của 3 cơ sở trên địa bàn thành phố có hoạt động xuất khẩu sản phẩm sầu riêng bị cảnh báo có phát hiện Cadium. Kết quả, các cơ sở đã xuất trình đủ hồ sơ minh chứng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
“Trong 2 đợt trước, trong, sau Tết Nguyên đán và “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 do Sở NN&PTNT phối hợp Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của 14 quận, huyện, thị xã kiểm tra thực tế tại 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các quận, huyện. Trong đó, chuyển Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của 3 huyện tiếp nhận kết quả kiểm tra, tiếp tục làm việc với cơ sở hoàn thiện hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định đối với 3 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là 41 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ.
Một trong những điểm được ngành Nông nghiệp quan tâm là công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại 2 chợ đầu mối và chợ trên địa bàn thành phố. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho hay, từ đầu năm, ngành đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác quản lý tại chợ và các cơ sở kinh doanh rau, củ, trái cây tại trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (1 lớp cho cán bộ quản lý tại chợ với 20 người tham dự; 3 lớp tập huấn cho các hộ kinh doanh rau, củ, quả với 150 người tham dự); hỗ trợ chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai xây dựng quy chế, quy trình, thủ tục bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, tuân thủ quy định hiện hành; phối hợp Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (Safegro) - Bộ NN&PTNT thực hiện khảo sát, đánh giá an toàn thực phẩm tại các chợ: Kim Quan, Thượng Thanh; hỗ trợ tập huấn tăng cường năng lực tự kiểm soát an toàn thực phẩm cho Ban quản lý chợ, nâng cao nhận thức, thực hành về an toàn thực phẩm cho tiểu thương kinh doanh tại chợ; tư vấn phân khu chức năng bày bán sản phẩm trong chợ bảo đảm an toàn thực phẩm; hỗ trợ một số thiết bị, dụng cụ cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm trong chợ...