Cánh tả chặn cánh hữu
Kết quả vòng hai cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn ở nước Pháp ngày 7-7 vừa qua đã gây bất ngờ lớn khi liên minh cánh tả "Mặt trận nhân dân mới" trở thành lực lượng chính trị lớn nhất với việc giành nhiều phiếu bầu nhất.
Trong khi đó, tập hợp "Cùng nhau" của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron về vị trí thứ hai và đảng cánh hữu - dân tộc chủ nghĩa Rassemblement National (RN), vốn đã thắng lớn ở vòng bầu cử đầu tiên và ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trước đấy, chỉ đứng ở vị trí thứ ba.
Hai khối về nhất và nhì kia đã thành công với chủ định ngăn cản RN giành được đa số tuyệt đối trong quốc hội mới, để lần đầu tiên thành lập chính phủ cầm quyền. Nhưng bản thân liên minh "Mặt trận nhân dân mới" cũng không thu về được đủ đa số ghế dân biểu trong quốc hội để thành lập chính phủ.
Cánh tả đã cản được sự tiếp tục thắng thế của cánh hữu nhưng việc thành lập chính phủ mới ở Pháp lại thêm khó khăn khi lần đầu tiên hình thành cục diện quyền lực có ba khối lớn trong quốc hội.
Sau cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Pháp hồi năm 2022 (đều ở vòng bầu cử thứ hai), lần thứ ba cử tri đất nước này tiếp tục thể hiện rõ quan điểm với ông Macron và phe cầm quyền, nhưng đồng thời liên thủ giữa khối cánh tả và khối trung tâm để ngăn cản khối cánh hữu đến với quyền lực.
Cánh hữu bị cản đường, nhưng rõ ràng tỷ lệ ủng hộ của cử tri cho phe này lần sau cao hơn lần trước. Cho nên, tại lần bầu cử tổng thống và quốc hội tiếp theo thì diễn biến tình hình không biết thế nào mà lường.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy được ba điều khái quát chung cho cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn mới đây ở nước Pháp.
Thứ nhất, ông Macron và phe cầm quyền đã bị thất bại nặng nề nhất và đảng của ông không còn có thể tiếp tục cầm quyền. Vị thế và ảnh hưởng của ông Macron tiếp tục sa sút, vai trò của ông đối với tương lai chính trị của nước Pháp và của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục bị hạn chế.
Thứ hai, thắng cử của phe cánh tả thực chất mới chỉ là kết quả do tình thế đưa lại chứ chưa phải do cánh tả đã lớn mạnh và có được sự tin tưởng ổn định trong cử tri Pháp. Phe này hiện không có cương lĩnh, quan điểm chính sách thống nhất và vẫn còn rất lỏng lẻo về tổ chức, lại chưa thật sự gắn kết nội bộ bền vững. Câu hỏi đặt ra ở đây là liên minh này sẽ tồn tại được bao lâu?
Thứ ba, sau hơn hai mươi năm, phe cánh hữu - dân tộc chủ nghĩa, cực hữu và dân túy ở Pháp đã tự thay đổi rất cơ bản để được cử tri Pháp chấp nhận là sự lựa chọn chính trị khả dĩ mới cho nước Pháp. Tất cả các đảng phái chính trị khác ở nước Pháp dường như đã đánh giá quá thấp quyết tâm và sự kiên định này của phe cánh hữu - dân tộc chủ nghĩa, cực hữu và dân túy nên bây giờ liên tiếp phải trả giá đắt.
Ông Macron bây giờ chỉ có ba cách thành lập chính phủ mới. Cách thứ nhất là để cho liên minh cánh tả "Mặt trận nhân dân mới" cùng với các nhóm phái thiên tả trong các đảng phái chính trị khác cùng nhau thành lập chính phủ. Cách thứ hai là đảng của ông quy phục các đảng chính trị riêng rẽ vào liên minh rất nhiều đảng phái khác nhau cùng cầm quyền. Cách thứ ba là thành lập chính phủ của các chuyên gia, như đã thấy ở Italia cách đây không lâu.
Dù lựa chọn cách nào thì bản thân ông Macron cũng vẫn đều ở thế yếu và chính phủ tiềm ẩn nguy cơ lớn về việc không ổn định bền vững. Chính phủ không ổn định và tổng thống yếu thế thì xã hội cũng không thể ổn định. Khi ấy, lại chỉ có phe cánh hữu - dân tộc chủ nghĩa, cực hữu và dân túy được lợi nhiều nhất.