Bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công đoàn viên
Chiều 8-7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt công đoàn cấp tỉnh, ngành, Trung ương và biểu dương cán bộ nữ công đoàn tiêu biểu lần thứ 3-2024.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự.
Trong chương trình, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, từ khi thành lập và trong suốt quá trình phát triển, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm công tác vận động nữ đoàn viên, người lao động. Văn kiện các kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam cũng đều xác định, bổ sung, hoàn thiện, làm sâu sắc hơn các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động qua từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động nữ, phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn.
Hiện nay, cả nước có gần 80.000 ban nữ công quần chúng, việc thành lập ban nữ công công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đạt hơn 80%, vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra. Các cấp công đoàn tích cực tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật, đề xuất, kiến nghị chính sách đặc thù bảo đảm quyền lợi lao động nữ.
Một số hoạt động thí điểm, như: “Chăm lo bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”, “Ngày hội việc làm” cho lao động nữ được triển khai hiệu quả, bước đầu mang lại kết quả tích cực.
Tại hội nghị, 129 đồng chí nữ ủy viên Đoàn Chủ tịch, lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, chủ tịch, phó chủ tịch các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương cùng 95 trưởng ban nữ công công đoàn cơ sở đã được biểu dương.
Chia sẻ về kinh nghiệm tham mưu đưa ra các nội dung để ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành của một ngành đa phần là lao động nữ, chị Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong Thỏa ước lao động tập thể ngành lần thứ V, ngoài các chế độ, chính sách áp dụng chung cho mọi người lao động, công đoàn ngành đã thương lượng đưa được thêm vào thỏa ước các chính sách riêng cho lao động nữ mang tính định lượng như tặng quà các ngày 8-3 và 20-10; được trang bị phòng vắt trữ sữa, khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho lao động nữ ngoài các khoản theo quy định của Bộ luật Lao động...
Những nội dung này ở các bản thỏa ước trước đây chưa có hoặc chưa đưa được mức cụ thể. Nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, toàn hệ thống đã trích gần 67,5 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 594 nghìn lượt lao động nữ.
Không dừng lại ở các hoạt động bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng chú trọng các giải pháp nhằm tạo ra môi trường học tập và thi đua lành mạnh, tích cực, tạo cơ hội để nữ công nhân, viên chức, lao động phấn đấu, phát triển bản thân. Nhiệm kỳ qua, có 232 nghìn lượt lao động nữ được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, gần 1.500 nữ công nhân viên chức lao động được đề bạt, thăng tiến trong công việc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: "Chúng ta đang sống trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số mạnh mẽ, cũng là thời kỳ mà tỷ lệ phụ nữ có học thức, có trình độ cao hơn các giai đoạn trước đây và có điều kiện trau dồi kỹ năng, kiến thức, sẵn sàng tham gia lực lượng lao động trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều cơ hội thì lao động nữ nói riêng và phụ nữ nói chung đang đứng trước nhiều thách thức như khoảng cách thu nhập theo giới còn chưa được thu hẹp, lao động nữ thường làm trong các ngành nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương, ít được tiếp cận các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm hơn nam giới. Gánh nặng công việc gia đình vẫn còn dồn lên vai phụ nữ".
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đặc biệt là Ban Nữ công công đoàn nghiên cứu tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng các diễn đàn phù hợp để các nữ lãnh đạo, nữ doanh nhân, nữ công đoàn viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về bình đẳng giới trên các lĩnh vực, như: Bình đẳng về pháp luật, bình đẳng trong thù lao công việc, trong các quyết định liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội... Bản thân mỗi nữ công đoàn viên cũng cần tự trau dồi, nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động của đất nước nói chung và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói riêng, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ...