OCOP Hà Nội

Nón làng Chuông - sản phẩm OCOP 4 sao

Đỗ Minh 08/07/2024 - 17:05

Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội) nổi danh với làng nghề làm nón lá truyền thống.

8acefb7e48b0eaeeb3a1.jpg
Nón làng Chuông đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Ảnh: Minh Đỗ

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm nón làng Chuông có từ thế kỷ thứ VIII. Điểm nổi bật của nón làng Chuông là sự tỉ mỉ trong từng đường khâu. Nguyên liệu chính để làm nón là lá cọ tươi nhập từ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị; chỉ và khung nón đan bằng nan tre của địa phương. Lá cọ tươi khá nặng nên người thợ phơi khoảng 3 nắng để nước trong lá bay hơi; kế tiếp là xử lý lá, dân gian gọi là quay lá cho lá khô và mềm hơn nữa. Sau nữa, phải hong khô lá và sấy lần cuối để kết thúc việc xử lý. Lúc này lá cọ non sẽ chuyển từ màu xanh thành màu vàng. Sau khi hoàn thành nguyên liệu, người thợ mới tiến hành khâu nón.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ, nón làng Chuông không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn là nguồn thu nhập quan trọng cho hơn 4.000 hộ dân địa phương. Với sự phát triển của nghề này, làng Chuông trở thành một trong những địa điểm cung cấp nhiều loại nón truyền thống như nón quai thao, nón lá giá ghép sống. Quai thao được sử dụng cho người già đi chùa, trong khi nón lá già ghép sống phục vụ cho công việc đồng áng của phụ nữ.

Đặc biệt, làng nghề đã xây dựng thương hiệu nón lá làng Chuông, nhãn hiệu tập thể được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ. Sản phẩm được liên kết với các đơn vị kinh doanh, phân phối, xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài tiêu thụ mạnh trong nước, nón làng Chuông còn được xuất khẩu tới nhiều thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Australia… Nón làng Chuông được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, giá cả, dịch vụ...

3296cb2778e9dab783f8.jpg
Những chiếc nón lá được người thợ làng Chuông khâu tỉ mỉ. Ảnh: Minh Đỗ

Năm 2021, sản phẩm nón làng Chuông được xếp hạng OCOP 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của thành phố Hà Nội. Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ, sản phẩm nón lá của cơ sở được thành phố chấm điểm công nhận đạt OCOP giúp tăng giá trị và cơ sở thuận lợi hơn trong tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng xuất khẩu...

Theo Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Việt Hùng, để gìn giữ nghề, địa phương thu thập, bảo tồn, lưu giữ tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề; hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ, khu trình diễn nghề truyền thống.

Làng Chuông có một bảo tàng nghề nón lá, trưng bày các loại nón lá đặc trưng của làng nghề cùng công cụ, dụng cụ, kỹ thuật làm nghề. Bảo tàng nghề nón lá được xây dựng trên diện tích 300m2, có 3 phòng chính: Phòng giới thiệu, phòng trưng bày và phòng trình diễn.

Phòng giới thiệu có thông tin, hình ảnh, video về lịch sử, đặc điểm, giá trị của làng nghề và nón lá. Phòng trưng bày có các sản phẩm nón lá khác nhau như nón quai thao, nón lá già, nón lá mới, nón lá sáng tạo, nón lá đặc biệt... Phòng trình diễn phục vụ các buổi trình diễn nghề làm nón lá và hoạt động văn nghệ, văn hóa liên quan đến nón lá.

Bảo tàng nghề nón lá là nơi thu hút nhiều du khách tham quan, tìm hiểu về nghề làm nón lá truyền thống, thưởng thức nét đẹp và nghệ thuật của nón lá.

e4c85d7beeb54ceb15a4.jpg
Sản phẩm nón làng Chuông đạt OCOP 4 sao, được xuất khẩu đi nhiều nước. Ảnh: Minh Đỗ

Hiện, Phương Trung đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề. Xã đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ duy trì, phát triển đội ngũ nghệ nhân, khích lệ động viên các nghệ nhân tham gia công tác này.

Nghệ nhân trong làng thường xuyên mở các lớp dạy nghề cho học sinh, sinh viên, người dân trong vùng, nhằm truyền kỹ năng và tinh thần yêu nghề cho thế hệ sau. Các em được hướng dẫn bởi nghệ nhân giàu kinh nghiệm, tay nghề cao, tâm huyết với nghề; được thực hành các công đoạn làm nón lá, từ xử lý lá cọ, đan nón đến trang trí...