Thị trường

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Lam Giang 08/07/2024 - 09:24

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới giao dịch sôi động trong tuần vừa qua.

Trong đó, nhiều mặt hàng quan trọng đã ghi nhận đà tăng mạnh mẽ. Đóng cửa tuần, sắc xanh chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng mạnh 2,38% lên 2.305 điểm.

8.7-2-kl.png
Bảng giá kim loại tuần từ 1-7 đến 7-7. Nguồn: MXV

Đáng chú ý, khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7, nhóm kim loại chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ khi giá các mặt hàng đồng loạt tăng mạnh, chấm dứt chuỗi nhiều tuần giao dịch trầm lắng.

Đối với kim loại quý, giá bạc bứt phá hơn 7% lên 31,69 USD/ounce, tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 11 năm thiết lập vào cuối tháng 5. Đây cũng là tuần tăng giá mạnh nhất của giá bạc trong gần hai tháng. Theo sau là đà tăng của giá bạch kim với mức tăng 3,15% lên 1.046 USD/ounce, mức cao nhất một tháng trở lại đây của mặt hàng này.

MXV cho biết, nguyên nhân chính hỗ trợ cho nhóm kim loại quý xuất phát từ sự suy yếu của đồng USD sau khi Mỹ công bố loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực.

Đối với kim loại cơ bản, đồng USD suy yếu cũng là yếu tố hỗ trợ cho các mặt hàng trong nhóm đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, giá đồng COMEX dẫn dắt đà tăng của nhóm khi bật tăng gần 6% lên 10.255 USD/tấn, mức cao nhất một tháng.

Giá quặng sắt cũng trải qua tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 3,76% lên 110,35 USD/tấn, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất của giá sắt kể từ giữa tháng 4.

Bên cạnh yếu tố vĩ mô, giá đồng và giá quặng sắt còn được hưởng lợi nhờ kỳ vọng tiêu thụ cải thiện tại Trung Quốc khi Chính phủ nước này tăng cường hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

8.7-3-ns.png
Bảng giá nông sản tuần từ ngày 1-7 đến 7-7. Nguồn: MXV

Trên thị trường nông sản, đóng cửa tuần giao dịch 1-7 đến 5-7, sắc xanh bao phủ bảng giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương.

Giá khô đậu tương ghi nhận mức tăng 3,24% lên 393,74 USD/tấn. Đáng chú ý, giá dầu đậu tương lập kỷ lục với mức tăng 11,94% lên 1.087,54 USD/tấn trong tuần trước, đánh dấu mức tăng hàng tuần cao nhất trong lịch sử. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao là nguyên nhân chính thúc đẩy lực mua đối với dầu đậu tương.

Bên cạnh đó, với cả 4 phiên giao dịch đều đóng cửa trong sắc xanh, giá đậu tương CBOT khép lại tuần giao dịch với mức tăng 2,33% lên 415,12 USD/tấn, đồng thời kết thúc chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp trước đó. Những thông tin về cung cầu đậu tương ở khu vực châu Mỹ đã chi phối diễn biến giá mặt hàng này trong tuần trước.