Điểm nóng

Nga phá hủy hai hệ thống phòng không Patriot của Ukraine

Hoàng Linh 07/07/2024 - 19:26

Ngày 7-7, TASS dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tổ hợp Iskander của nước này đã phá hủy hai bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng không Patriot và một radar được Ukraine bố trí ở khu vực Odessa.

odessa_1.jpg
Đoạn video do Nga công bố cho thấy hệ thống Patriot tại Odessa bị phá hủy. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

"Tổ vận hành Iskander đã tấn công vị trí một khẩu đội hệ thống tên lửa phòng không Patriot của lực lượng vũ trang Ukraine gần làng Yuzhnoye (Odessa). Cuộc tấn công đã phá hủy hai bệ phóng tên lửa phòng không Patriot và một radar Giraffe 3D (hươu cao cổ)" - thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Theo giới quan sát, trong các thiết bị bị phá hủy lần này, hệ thống radar Giraffe 3D (do Saab chế tạo) sẽ rất khó để thay thế.

Cùng ngày, Thống đốc tỉnh Voronezh (Nga) Alexander Gusev đã ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán người dân do các vật thể phát nổ sau một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo đã bắn hạ 7 UAV của Ukraine ở khu vực phía Nam Belgorod và Kursk (biên giới Ukraine). Theo Thống đốc vùng Kursk Alexei Smirnov, các lực lượng của Kiev đã pháo kích vào khoảng 10 ngôi làng trên địa bàn.

patriot_1.jpg
Mỗi hệ thống Patriot hoàn thiện trị giá lên tới 1 tỷ USD. Ảnh: Newsweek

Tại Crimea, một đường ống dẫn khí đốt do Nga lắp đặt đã bốc cháy, nhưng quan chức địa phương cho biết nguyên nhân vụ việc là do sự cố và không ghi nhận thương vong.

Trong diễn biến liên quan, Sputnik đưa tin, các chuyên gia quân sự Nga có phát hiện mới khi nghiên cứu Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Lockheed Martin sản xuất và được Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Một chuyên gia quân sự Nga nhận định: “Mỗi tên lửa tầm xa ATACMS có 275 đạn chùm M74. Hộp của đầu đạn mở ra ở độ cao khoảng 200m so với mặt đất. Nó phát nổ khi va chạm với bề mặt”.

Khi đó, các mảnh ATACMS có thể bắn rải rác trong bán kính 20m, một số mảnh thậm chí có thể xuyên qua cửa kim loại từ khoảng cách 50m. Khả năng sát thương của các mảnh vỡ là mối đe dọa lớn cho cả binh lính và dân thường.

atacms.jpg
Hệ thống tên lửa ATACMS. Ảnh: Militarnyi

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh không nên di chuyển các đạn chùm vì có thể phát nổ bất cứ lúc nào, ngay cả khi chúng chưa nổ sau khi được thả; đồng thời cảnh báo người dân hết sức cẩn thận do đạn này được sơn màu xanh lục và khó phát hiện trên cỏ.

Năm 2023, Mỹ bắt đầu cung cấp ATACMS cho Ukraine. Tên lửa có cỡ nòng 610mm, dài 4m, nặng 1,6 tấn. Phiên bản Block 1 có tầm bắn 165km. Tổng thống Vladimir Putin khi đó gọi động thái này là "một sai lầm khác của Mỹ".