Thế giới

Ông Masoud Pezeshkian giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran: Kỳ vọng "làn gió mới"

Thùy Dương 07/07/2024 - 06:40

Ứng cử viên theo đường lối cải cách - Masoud Pezeshkian đã vượt đối thủ theo đường lối cứng rắn - Saeed Jalili, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai tại Iran.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Masoud Pezeshkian được kỳ vọng mang lại “làn gió mới” cho Iran dù nước này đang phải đối mặt với vô số thách thức cả từ bên trong và bên ngoài.

ong-masoud-pezeshkian-trong-mot-su-kien-tranh-cu-o-tehran-iran.-anh-reuters.jpg
Ông Masoud Pezeshkian trong một sự kiện tranh cử ở Tehran, Iran. Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử Tổng thống Iran diễn ra đột xuất sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng vào ngày 19-5-2024.

Ngày 28-6, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử đã được tổ chức giữa 4 ứng cử viên: Masoud Pezeshkian - cựu Bộ trưởng Y tế; Saeed Jalili - Chủ tịch Quốc hội; Mohammad Bagher Qalibaf - cựu Thị trưởng Tehran; Mostafa Pourmohammadi - một giáo sĩ Shia từng phục vụ tại Bộ Nội vụ và Bộ Tình báo Iran, nhưng không ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu bầu. Hai ứng cử viên được nhiều phiếu bầu nhất là Pezeshkian và Jalili đã tiến vào vòng bầu cử thứ hai hôm 5-7.

Theo kết quả do Bộ Nội vụ Iran công bố, trong hơn 30 triệu phiếu bầu được kiểm, ông Masoud Pezeshkian giành được hơn 16 triệu phiếu bầu, trong khi đối thủ là Saeed Jalili nhận được khoảng 13 triệu phiếu. Tuyên bố của Bộ Nội vụ Iran nêu rõ: "Thông qua việc giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 5-7, ông Masoud Pezeshkian đã trở thành Tổng thống tiếp theo của Iran".

Theo các nhà phân tích, chiến thắng của ông Masoud Pezeshkian diễn ra khi Tehran đang ở thời điểm nhạy cảm, với căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, chương trình hạt nhân đang tiến triển của Iran và cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ có thể khiến mọi cơ hội hòa hoãn giữa Tehran và Washington gặp rủi ro. Hiện hàng triệu người dân Iran đang sống dưới mức nghèo khổ với một nền kinh tế đã bị tê liệt trong nhiều năm do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đáng nói, việc Washington tái áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2018 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, cắt giảm doanh thu của chính phủ, thâm hụt ngân sách lớn và buộc nước này phải thực hiện các bước đi không được lòng dân như tăng thuế.

Mặc dù Tehran đã tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, chủ yếu là nhờ xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và giá dầu thô cao hơn, nhưng xuất khẩu dầu mỏ vẫn thấp hơn mức trước năm 2018.

Cùng với đó, mối quan hệ giữa Iran và phương Tây càng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây, khi Tehran hỗ trợ các nhóm chiến binh trên khắp Trung Đông nhắm vào cả lợi ích của Israel và Mỹ trong cuộc chiến ở Dải Gaza. Nước cộng hòa Hồi giáo này cũng đã rút lại sự hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trong bối cảnh đó, ông Masoud Pezeshkian ủng hộ các cuộc đàm phán với Mỹ để có được sự nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế, đồng thời muốn dỡ bỏ các hạn chế về internet và thúc đẩy nới lỏng việc thực thi các luật yêu cầu phụ nữ phải che mặt.

Từng là Bộ trưởng Y tế, ông Masoud Pezeshkian nổi bật trong "cuộc đua" tổng thống năm nay với tư cách là ứng cử viên duy nhất không theo đảng bảo thủ được phép tham gia tranh cử.

Ông Masoud Pezeshkian cam kết thúc đẩy chính sách đối ngoại thực dụng, nhấn mạnh sự cần thiết phải tái khởi động đối thoại với phương Tây và tìm cách chấm dứt lệnh trừng phạt cũng như phục hồi nền kinh tế đang suy thoái.

Tuy nhiên, nhiều cử tri tỏ ra hoài nghi về khả năng thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử bởi cựu Bộ trưởng Y tế này đã tuyên bố công khai rằng, không có ý định đối đầu với giới tinh hoa quyền lực của Iran gồm các giáo sĩ và quan chức an ninh cứng rắn, trong khi Lãnh tụ tối cao là người quyết định cuối cùng về hầu hết các vấn đề ở Iran.

Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi (Viện Nghiên cứu Chatham House ở London) Sanam Vakil cho biết, việc ông Masoud Pezeshkian đắc cử tổng thống sẽ không thể ngay lập tức thay đổi về chính sách, nhưng vị trí tổng thống có ảnh hưởng đáng kể đến đối ngoại và các vấn đề ngoại giao.

Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống không chỉ đóng vai trò then chốt đối với các vấn đề nội tại mà còn với quan hệ khu vực và quốc tế của Iran. Do đó, lập trường của Iran về chương trình hạt nhân, hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm và vai trò của nước này trong các cuộc xung đột khu vực sẽ được định hình đáng kể bởi chính sách và phong cách lãnh đạo của tổng thống mới.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù tổng thống có thể không độc lập quyết định các chính sách cốt lõi của Iran, nhưng cách tiếp cận và phong cách ngoại giao có thể tác động đến vị thế quốc tế và mối quan hệ của Tehran với phương Tây cùng các nước láng giềng ở Trung Đông.