Doanh nghiệp

Doanh nghiệp vượt khó, thúc đẩy tăng trưởng

Hồng Sơn 07/07/2024 - 06:23

Trong quý II-2024, tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực hơn so với quý I.

Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện hữu, yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành chức năng là cần đánh giá đúng tình hình, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp một cách phù hợp và hiệu quả hơn, hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

t7.jpg
Quý III-2024 có 83,8% doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế tạo dự báo tăng và giữ nguyên về số lượng đơn đặt hàng so với quý II. Trong ảnh: Chế tạo các loại máy tự động tại Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát (huyện Thanh Trì).

Yếu tố thuận lợi nhiều hơn bất lợi

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,1%; tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%. Cùng thời gian trên, hơn 39 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 3,9%.

Tổng cục Thống kê đánh giá, kết quả doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt mức cao nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2019-2024. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn. Như vậy, bức tranh doanh nghiệp đã sáng màu hơn tuy vẫn còn nhiều vấn đề cần đánh giá chính xác, kịp thời, cũng như kiên trì trong công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Đáng chú ý, theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II-2024 thuận lợi hơn quý I-2024, với 37,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn; 41,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định. Sản xuất đạt kết quả tốt, với xu hướng gia tăng theo tháng và quý đã tác động mạnh mẽ đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, duy trì năng lực xuất khẩu, cũng như là đầu vào tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Về số lượng đơn đặt hàng mới quý III-2024 so với quý II, có 83,8% doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo tăng và giữ nguyên, 16,2% doanh nghiệp dự báo giảm. Số liệu trên thể hiện yếu tố thuận lợi đã lớn hơn yếu tố bất lợi và cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước hy vọng đạt kết quả sản xuất, kinh doanh cao hơn trong 3 tháng tới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Bên cạnh những điểm tích cực, bức tranh doanh nghiệp 6 tháng qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ, chiếm tỷ lệ 92,3%. Điều này cho thấy, mặc dù có sự chuyển biến theo xu hướng tốt hơn, nhưng nhìn chung, hoạt động khởi nghiệp, cũng như năng lực của doanh nghiệp vẫn chưa có sự bứt phá, chủ yếu trong tình trạng gắng sức phục hồi.

Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp cũng bị bào mòn trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, bên cạnh hạn chế về vốn, công nghệ, trình độ quản trị, trong khi nhiều nhà nhập khẩu hàng Việt lại đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn môi trường, lao động và sản xuất xanh…

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng những nhu cầu cần hỗ trợ. Đơn cử, để giảm áp lực chi phí đầu vào, 50,1% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kiến nghị giảm lãi suất cho vay. Đối với nguồn nguyên vật liệu, năng lượng cho sản xuất, 44,9% doanh nghiệp kiến nghị có các chính sách để bình ổn giá và 30,5% doanh nghiệp kiến nghị có biện pháp ổn định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Về lao động, 18,6% doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động để đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất. Bên cạnh đó, 24,5% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistics; 23,4% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất; 22,4% doanh nghiệp kiến nghị bảo đảm nguồn điện ổn định cho sản xuất.

Đối với thị trường đầu ra cho sản phẩm, 28,9% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước, tăng cường vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần tăng lượng đơn hàng. Ngoài ra, 26,1% doanh nghiệp kiến nghị cần được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Về thủ tục hành chính, 31,5% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, để thời gian chờ đợi và thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp được rút ngắn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều chính sách, quy định phù hợp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nhận được sự đồng thuận cao. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng, hiệu quả trong giải quyết công việc để hiện thực hóa cam kết vì doanh nghiệp.

Từ thực tế trên, Chính phủ cũng đang tập trung điều hành, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc và tăng tốc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua miễn, giãn, giảm thuế, phí; giải quyết vướng mắc về mặt bằng sản xuất, cung cấp thông tin thị trường kết hợp tiêu thụ sản phẩm; cải cách hành chính, hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh..., từ đó nâng cao năng lực phát triển của doanh nghiệp.