Đời sống

Hai phụ nữ ở Hà Nội và Bình Phước bị chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng do lừa đảo trực tuyến

Châu Anh

Thủ đoạn không mới, song một người trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) và một người trú tại thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đã bị lừa đảo với số tiền lên tới 3,5 tỷ đồng.

2-2-.jpg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Công an quận Cầu Giấy đang điều tra vụ việc chị T (sinh năm 1983) bị các đối tượng mạo danh công an, lừa mất 1,2 tỷ đồng.

Đối tượng lừa đảo liên hệ với chị T, nói rằng tài khoản định danh của chị bị lỗi và yêu cầu cài đặt phần mềm dịch vụ công trực tuyến thông qua link do đối tượng cung cấp.

Sau khi nhấn vào link và cài đặt phần mềm, chị T phát hiện tài khoản ngân hàng của mình mất hơn 1,2 tỷ đồng.

Các đối tượng thường liên hệ nạn nhân thông qua điện thoại, thông báo rằng CCCD của nạn nhân đã hết hạn, bị lỗi hoặc cần cập nhật dữ liệu, yêu cầu khắc phục các vấn đề trên thông qua phần mềm giả mạo do chúng cung cấp. Sau khi cài đặt phần mềm, kẻ lừa đảo sẽ truy cập điều khiển thiết bị, thực hiện chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Qua vụ việc này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm lạ, truy cập vào link lạ.

Người dân chỉ sử dụng các ứng dụng được tải từ nguồn chính thống như AppStore (đối với người dùng IOS) và Ch Play (đối với người dùng Android) hoặc trực tiếp đến cơ quan chức năng.

3-2-.jpeg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin

Một trường hợp khác là bà T (trú tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) bị dụ dỗ giới thiệu việc làm, rồi lừa đảo mất hơn 2,3 tỷ đồng. Vụ việc đang được Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bình Phước) điều tra.

Bà T được các đối tượng liên hệ kết bạn thông qua nền tảng mạng xã hội Telegram. Qua đó, các đối tượng giới thiệu việc làm tại nhà, hứa hẹn kiếm tiền mà không mất bất kỳ một khoản phí nào. Theo đó, bà T nghe các bài nhạc được chỉ định, đăng nhập và bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ, sau đó chụp màn hình và gửi lại. Mỗi lượt bình chọn bà T nhận được 35.000 đồng.

Bằng thủ đoạn này, các đối tượng tiếp tục dụ dỗ bà T đặt cọc để tăng số tiền nhận được; hướng dẫn bà T vào “nhóm bỏ phiếu” để được hưởng lợi nhuận 40%-50%...

Sau 19 lần tham gia bình chọn, bà T đã đặt cọc 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Khi có nhu cầu rút tiền, các đối tượng liên tục đưa ra lý do trì hoãn. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, bà T đã đến cơ quan công an trình báo.

Với trường hợp này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các lời mời gọi, dụ dỗ tham gia kiếm tiền qua mạng.

Khi nhận được tin nhắn đến từ đối tượng lạ thông qua nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram,... tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc hoặc bất kỳ khoản phí nào.

Khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại các đoạn hội thoại, thông tin của đối tượng, sau đó trình báo với các cơ quan công an nhằm truy vết và kịp thời ngăn chặn.