Thủ tướng: Nền kinh tế đã thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tăng trưởng vượt kịch bản đề ra
Sáng ngày 6-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Theo chương trình, phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trước phiên họp đã báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe tới các đại biểu dự họp; sau cuộc họp sẽ báo cáo lại và tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Thủ tướng nhấn mạnh phiên họp có ý nghĩa quan trọng để tiến hành sơ kết tháng 6 và 6 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm, nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025, năm cuối cùng của nhiệm kỳ, tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo Thủ tướng, bối cảnh thời gian qua tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi.
Tình hình thế giới có 3 điểm nổi bật: Cạnh tranh chiến lược gay gắt hơn, xung đột tại một số khu vực tiếp tục diễn ra; giá USD, vàng tăng cao, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản biến động mạnh; biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số ngày càng tác động nặng nề tới các quốc gia, nền kinh tế, nhất là nắng nóng, hạn hán…
Trong nước, nền kinh tế chịu tác động kép từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.
Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự tham gia, đồng lòng, nỗ lực, vươn lên của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế, nền kinh tế đã thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trươc, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực và tốt hơn 6 tháng cuối năm 2023.
Thủ tướng khái quát những nét nổi bật: Tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93%, 6 tháng đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao của khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm tốt, đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh đó, những năm qua, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ ngày 1-7 và đưa ra giải pháp phù hợp để vừa thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương theo lộ trình, vừa phù hợp điều kiện, tình hình đất nước và yêu cầu bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng được thụ hưởng.
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, tình hình kinh tế-xã hội còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; tình hình cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông trên một số địa bàn còn phức tạp; kỷ luật kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Thủ tướng đề nghị trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn cùng với các báo cáo, các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến, phân tích sâu về những mặt được, chưa được, rút ra các bài học kinh nghiệm, chỉ rõ những vướng mắc, điểm nghẽn, nhất là vướng mắc về pháp lý, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả cho thời gian tới để khắc phục các khó khăn, bất cập, tiếp tục phát huy khí thế đang có, giữ đà phát triển để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, xác định "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả" để kiểm tra, đánh giá, phê bình, khen thưởng phù hợp.
Báo Hànộimới sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.