Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học
Thời gian qua, các huyện trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong trường học.
Qua đó, bảo đảm tốt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các bữa ăn cho học sinh, giúp các em phát triển đầy đủ cả trí và lực, tạo sự tin tưởng cho các bậc phụ huynh.
Lựa chọn nguồn thực phẩm sạch
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát, thời gian qua, công tác y tế học đường, công tác chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh trên địa bàn huyện Thanh Trì đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm cao của các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế, đặc biệt là sự quan tâm, ủng hộ của cha mẹ học sinh. Nhằm bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại bếp ăn trong các nhà trường, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2022-2026”. Huyện đã rà soát cơ sở vật chất của các trường học và đã lập dự án sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác ăn bán trú một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn huyện.
“Hiện trên địa bàn huyện Thanh Trì có 64 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập và 12 trường mầm non tư thục tổ chức ăn bán trú. Đến nay, 100% bếp ăn tại các trường học đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều trường học có nhà ăn riêng sạch sẽ, thoáng mát; nhân viên phụ trách bếp ăn trong các trường học đều được tập huấn kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm và được khám sức khỏe định kỳ...”, ông Phạm Văn Ngát thông tin.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Lĩnh A (huyện Ba Vì) Phùng Thị Phượng, xác định công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các trường học là vấn đề quan trọng, nên nhà trường đã thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội… Nhà trường luôn lựa chọn nguồn thực phẩm sạch từ những cơ sở có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm đầy đủ để học sinh có bữa ăn an toàn, đầy đủ dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong các nhà trường trên địa bàn huyện luôn được ưu tiên hàng đầu, nhưng trong quá trình kiểm tra thực tế tại một số trường vẫn còn một số bất cập, như: Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể chưa được triển khai thường xuyên và đến tận cơ sở nuôi trồng, giết mổ. Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất của một số trường xuống cấp, chưa được cải tạo, nâng cấp kịp thời...
Tuyên truyền đi đôi với kiểm tra
Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh yêu cầu các đơn vị trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, các trường thường xuyên lồng ghép kiến thức về dinh dưỡng, phổ biến nội dung an toàn thực phẩm tại các buổi họp chuyên môn, nhằm giúp giáo viên, nhân viên nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng và an toàn. Đặc biệt, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại trường học để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các cơ sở, trường học, đơn vị không bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng đã yêu cầu các trường học trên địa bàn huyện lựa chọn, sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn; vệ sinh cá nhân trong phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm. Ngoài ra, triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh trường học, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học. Bên cạnh đó, khi thực phẩm đưa vào nhà trường, nhà cung cấp phải bảo đảm có hồ sơ pháp lý. Nhà trường phải nêu cao vai trò của tổ tự giám sát, đối với nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có hồ sơ giao nhận, có biên bản ký giao nhận và có sự tham gia của Ban phụ huynh học sinh tham gia. Qua đó, bảo đảm tốt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các bữa ăn cho học sinh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, các địa phương cần hướng dẫn cụ thể các trung tâm y tế, phòng y tế huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhất là trong công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời, bảo đảm các điều kiện vật chất trang thiết bị, tăng cường phòng, chống các sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn... Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…