Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải: Xu hướng hình thành thế giới đa cực ngày càng rõ nét
Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra trong hai ngày 3 và 4-7, tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Kết thúc hội nghị, những kết quả đạt được cho thấy, xu hướng hình thành một thế giới đa cực ngày càng rõ nét.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hai ngày làm việc, lãnh đạo các nước thành viên SCO nhấn mạnh, những rủi ro và thách thức an ninh hiện tại có tính chất toàn cầu chỉ có thể giải quyết thông qua việc xây dựng một thế giới đa cực, thúc đẩy hợp tác đa phương, cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu và các nỗ lực phối hợp giải quyết mối đe dọa an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống.
Quan điểm nói trên đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh trong phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng nguyên thủ các quốc gia SCO, trong đó khẳng định: “một thế giới đa cực đã trở thành hiện thực”. Về vấn đề này, ông chủ Điện Kremlin đã nêu bật thực tế là có nhiều trung tâm quyền lực và phát triển kinh tế mới đang nổi lên và ngày càng mạnh mẽ hơn, đồng thời nhấn mạnh nhiều quốc gia đã kêu gọi hướng tới một trật tự thế giới công bằng hơn, cũng như bày tỏ quyết tâm bảo vệ các quyền hợp pháp và các giá trị truyền thống của họ.
Đáng chú ý, Tổng thống Vladimir Putin cũng nêu cao vai trò của SCO cùng với Nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS), cho rằng đây sẽ là những trụ cột của trật tự thế giới đa cực đang nổi lên và sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình phát triển toàn cầu. Theo nhà lãnh đạo Nga, sáng kiến "Về sự thống nhất toàn cầu vì một thế giới công bằng và hòa hợp" của SCO chính là dấu mốc quan trọng tiến tới đa cực, khi có mục đích phát triển các biện pháp xây dựng niềm tin. Nhiều nhà phân tích cũng nhận định, những biện pháp như vậy sẽ bảo đảm các điều kiện bình đẳng để phát triển cho tất cả mọi người, bất kể hệ thống chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hóa của các quốc gia.
Những tín hiệu về một trật tự thế giới đa cực đang hình thành còn thể hiện qua nhiều khía cạnh của hội nghị lần này. Tổng thống nước chủ nhà Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev trong các phát biểu đã đề xuất một số chiến lược quan trọng, nhằm thúc đẩy xu hướng này thông qua tăng cường hợp tác đa phương giữa các quốc gia thành viên nhóm, với một số mục tiêu chính, như: Tạo điều kiện tập thể cho hòa bình và phát triển với vai trò trọng tâm của Liên hợp quốc; tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với trọng tâm trước mắt là cải thiện hạ tầng giao thông xuyên quốc gia; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và cuối cùng là hợp tác văn hóa - nhân đạo - giáo dục…
Quan điểm đa cực nhận được sự ủng hộ từ nhiều đại biểu. Đơn cử, tái khẳng định cam kết của Pakistan trong việc củng cố các thể chế đa phương, thúc đẩy hợp tác toàn cầu để đạt được một trật tự thế giới công bằng và hòa bình dựa trên các nguyên tắc tự quyết, chủ quyền và không can thiệp, Thủ tướng nước này Shehbaz Sharif nhất trí về xu hướng và tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và thế giới đa cực, đặc biệt trong giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh sự “cần thiết phải thống nhất trong suy nghĩ và hành động, thúc đẩy chung sống hòa bình, giải quyết tranh chấp và đặt niềm tin vào chủ nghĩa đa phương”.
Bên cạnh việc ủng hộ thiết lập trật tự thế giới mới, tuyên bố hội nghị cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt đơn phương đã vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và gây bất lợi cho quan hệ kinh tế quốc tế. Các nhà lãnh đạo SCO cũng ủng hộ việc duy trì không gian vũ trụ không có vũ khí, nhấn mạnh sự cần thiết phải ký kết một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch và cung cấp những bảo đảm đáng tin cậy cho việc ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ. Các đại diện SCO cũng ký kết chương trình hợp tác chống khủng bố, chống ly khai và thông qua chiến lược chống ma túy đến năm 2029…
Có thể thấy, trong bối cảnh đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, những cam kết kiên định về kết nối, hợp tác của một tổ chức bao phủ 70% diện tích lục địa Á - Âu, đại diện cho hơn 3 tỷ người, chiếm 1/4 GDP của thế giới là tín hiệu rõ ràng báo hiệu sự hình thành của trật tự thế giới đa cực, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đây cũng là bước tiến đáng ghi nhận, hướng đến tương lai hợp tác và thịnh vượng cho toàn cầu.