Đất nền ven đô thu hút khách trở lại
Thông tin về quy hoạch, hạ tầng cùng các quy định mới liên quan đến thị trường bất động sản được đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực, khiến giá đất nền tại một số huyện vùng ven thành phố Hà Nội bật tăng.
Nửa đầu năm 2024, tại địa bàn nhiều huyện, nhu cầu tìm kiếm, giao dịch đất nền đã "ấm dần".
Sôi động sức mua, giá bán
Vài tháng trở lại đây, Văn phòng công chứng đất đai tại số 220 phố Tây Sơn, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) tấp nập người ra vào. Chị Trần Xuân Nhung (42 tuổi), môi giới bất động sản cho hay, sự phục hồi của thị trường đất nền với các mối quan tâm, nhu cầu tìm hiểu, mua bán tăng lên rõ rệt.
“Từ khi có thông tin huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức chuẩn bị lên quận, đất đai tại các địa phương này đã tăng giá trị. Riêng tại huyện Đan Phượng, sau khi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được khởi công, giao dịch mua bán đất nền nhiều hơn hẳn. Nhiều khu vực, giá đất tăng 40-50% so với thời điểm cách đây 1 năm. Tiền nhàn rỗi trong dân khá nhiều, lãi suất ngân hàng thấp nên nhiều người quan tâm đầu tư đất đai, đẩy giá tăng lên nhanh chóng”, chị Trần Xuân Nhung nói.
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Hànộimới, giá đất tại xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) đang được đẩy lên rất cao. Với khu vực đường lớn, đủ để hai ô tô tránh nhau, có người rao bán từ 120 triệu đồng đến 180 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích. Tăng cao nhất là trên tuyến đường 422, đoạn đối diện dự án Vinhomes Đan Phượng, giá rao bán xấp xỉ 200 triệu đồng/m2. Đất phân lô các khu Đồng Ông, Đồng Sậy, Gò Mèo (thuộc thị trấn Phùng và xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng), giá cách đây 6 tháng đều dưới 50 triệu đồng/m2, giờ rao bán hơn 70 triệu đồng/m2.
Anh Trịnh Thế Cương (37 tuổi), môi giới đất tại huyện Thạch Thất cho biết, các văn phòng môi giới khu vực Hòa Lạc và vùng lân cận gần như đã mở cửa hoạt động trở lại. Cũng ở khu vực này, giá đất tăng lên qua từng tháng. Ví dụ, đất có vị trí mặt tiền tại xã Tiến Xuân, so với thời điểm tháng 6, đã tăng thêm 3-5 triệu đồng/m2, giao dịch ở mức 30-35 triệu đồng/m2. Tại xã Thạch Hòa, đất ở vị trí đường đôi có giá 35-40 triệu đồng/m2. Các lô đất trong ngõ rộng, ô tô đỗ tận cửa tại các xã Bình Yên, Tân Xã, giá chào bán thấp hơn, giao dịch ở mức 22-25 triệu đồng/m2. Tại huyện Quốc Oai, “ăn theo” sức hút từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đất nền mặt đường tỉnh lộ 412B thuộc xã Đông Yên, hiện đã tăng lên xấp xỉ 45 triệu đồng/m2. Các khu vực nằm sâu hơn, giá đất cũng tăng từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng/m2. Tại các xã Phú Cát, Phú Mãn, một số mảnh được chào bán nằm trong “quy hoạch lõi đô thị” rao xấp xỉ 15 triệu đồng/m2.
"Đón sóng” phục hồi thị trường bất động sản
Theo dữ liệu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm đất nền và nhà riêng trên phạm vi toàn quốc trong quý II-2024 tăng lần lượt là 33% và 18%, so với quý I-2024. Hai loại hình bất động sản này nhìn chung có cải thiện về mức độ quan tâm và giao dịch trong nửa đầu 2024. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.
Tại khu vực miền Bắc, tỉnh Hưng Yên có mức độ quan tâm đất nền tăng cao nhất, lên đến 194%, nhà riêng tăng 70%. Tại thành phố Hà Nội, mức độ quan tâm đất nền được ghi nhận tăng 75%, nhà riêng tăng 48%. Trong đó, mức độ quan tâm và giá tăng mạnh ở khu vực vùng ven Hà Nội. Cụ thể, nửa đầu năm 2024, đất nền ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ghi nhận nhu cầu tìm mua tăng từ 48% đến 104%, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện ngoại thành này tăng 4%-24% so với nửa cuối năm 2023.
Trong số các huyện vùng ven Hà Nội, đất nền huyện Đông Anh ghi nhận giá bán và mức độ quan tâm tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, so với quý I, trong quý II-2024 có mức độ quan tâm tăng 104%, giá bán tăng 24%. Tại các xã Lễ Pháp, Tiên Dương, Đông Trù, Uy Nỗ… đất vị trí mặt đường lớn đang được chào bán 170-220 triệu đồng/m2, trong khi cuối năm 2023 mức giá chỉ dao động 130-160 triệu đồng/m2.
Lý giải về mức tăng nóng này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và am hiểu khách hàng One Housing Trần Minh Tiến cho rằng, đà tăng giá của đất nền Hà Nội có được nhờ yếu tố quy hoạch và hoạt động đấu giá đất. Bên cạnh đó, một trong những quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) là siết chặt việc phân lô bán nền, trong khi nguồn cầu vẫn khá cao, khiến giá đất nền tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, giá đất tăng không đồng thời trên tất cả khu vực mà phần lớn tập trung ở những nơi có quy hoạch hoặc thông tin quy hoạch mang tính định hướng.
Một số chuyên gia bất động sản nhận định, nhờ lợi thế từ những thông tin liên quan đến pháp lý, quy hoạch liên tục được công bố trong thời gian gần đây, đất nền ở những huyện đang trong giai đoạn cuối cùng để lên quận như Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm sẽ có mức tăng giá mạnh. Bên cạnh đó, những dự án đại đô thị lớn tại các huyện như Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng… cũng góp phần đẩy giá đất nền lên cao.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhận xét, xu hướng tăng mạnh giá đất nền trong 6 tháng đầu năm 2024 để “đón sóng” phục hồi của thị trường bất động sản khi bộ 3 luật mới (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở) có liên quan được đẩy sớm thời hạn có hiệu lực. Nguồn cung đất nền sẽ dần khan hiếm trong khi sức cầu vẫn rất lớn khiến phân khúc này khó có thể giảm giá bán.