Cử tri kiến nghị xây dựng tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội kéo dài đến Sơn Tây
Cử tri kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội kéo dài đến thị xã Sơn Tây, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Chiều 5-7, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội - Đơn vị bầu cử số 7 tiếp xúc cử tri các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và thị xã Sơn Tây (trực tiếp kết hợp trực tuyến) sau kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, nhận định hiện nay nhiều người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp, cử tri Khuất Duy Vị (huyện Phúc Thọ) đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cử tri cũng đề nghị cần phát triển các doanh nghiệp chăn nuôi để hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến môi trường, song song với đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung.
Về giao thông, cử tri Nguyễn Văn Chí (huyện Phúc Thọ) đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm đầu tư nâng cấp quốc lộ 32. Đặc biệt, cử tri kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội kéo dài đến thị xã Sơn Tây, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, cử tri Nguyễn Bá Năng (huyện Phúc Thọ) cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến nhu cầu rất cao của học sinh được theo học tại các cơ sở giáo dục công lập nhưng số lượng cơ sở giáo dục còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Cử tri huyện Đan Phượng nêu vấn đề liên quan đến nhà máy xử lý rác thải với quy mô lớn đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn, tuy nhiên trong thời gian dài, nhà máy này không hoạt động gây lãng phí. Do đó, cử tri đề nghị thành phố sớm xử lý dứt điểm vấn đề này.
Tiếp thu toàn bộ ý kiến của các cử tri để tổng hợp, chuyển các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã thể hiện những quyết sách trao quyền của Quốc hội, Chính phủ cho Thủ đô Hà Nội, trong đó có những quy định pháp luật lần đầu tiên được quy định cụ thể trong luật nhằm tập trung phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô thời gian tới.
Bên cạnh đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng là nội dung đặc biệt tại kỳ họp thứ bảy, khi lần đầu tiên quy hoạch địa phương được trình Quốc hội cho ý kiến, thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô.
* Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội - Đơn vị bầu cử số 2 đã tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Long Biên và huyện Đông Anh (trực tiếp kết hợp trực tuyến) sau kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, cử tri Tô Việt Dũng (huyện Đông Anh) bày tỏ mong muốn, Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, sẽ sớm có hướng dẫn thực hiện các giải pháp chính sách về huy động và sử dụng các nguồn lực trong đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện Đông Anh; có quy hoạch tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát triển dân cư, gia tăng các phương tiện giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị của huyện trong thời gian tới.
Về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, cử tri Nguyễn Hữu Cử (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, đây là các quy hoạch cấp thiết đối với sự phát triển của Thủ đô, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật liên quan đến ùn tắc giao thông, rác thải, nước thải, ngập úng…
”Chúng tôi kiến nghị cần có ngay các biện pháp giải quyết các tồn tại trên một cách đồng bộ, trong đó quy hoạch cần đi trước đón đầu, có tầm nhìn xa hơn”, cử tri quận Hoàn Kiếm nêu.
Các đại biểu Quốc hội tiếp thu các ý kiến của cử tri để tổng hợp, chuyển các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.