Người dùng "phản ứng" thế nào về sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến?
Khảo sát trên Cốc Cốc cho biết, 70% người được hỏi đồng ý xác thực sinh trắc học giúp tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến.
Công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc đã có báo cáo khảo sát trực tuyến về “phản ứng” của người dùng, cũng như quan điểm về lợi ích và lo ngại liên quan đến quy định áp dụng sinh trắc học với các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng, kể từ ngày 1-7. Báo cáo được thực hiện với 939 người từ 18 tuổi trở lên.
Đa số người được hỏi đã từng thực hiện các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày. 45,1% thực hiện thường xuyên và 38,8% hiếm khi giao dịch với số tiền trên.
75,4% người được hỏi đã cài đặt xác thực sinh trắc học. Tuy nhiên, do khảo sát được thực hiện ngay sau thời điểm quy định được áp dụng nên có một bộ phận người dùng chưa thể xác thực thành công.
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ người dùng xác thực sinh trắc học thành công cao nhất.
Khu vực miền Nam (trừ thành phố Hồ Chí Minh) và khu vực miền Trung có tỷ lệ người dùng gặp khó khăn trong việc cài đặt sinh trắc học cao hơn so với các khu vực khác (gần 30% chưa thực hiện thành công bất kỳ ngân hàng nào).
Về vấn đề an toàn khi sử dụng sinh trắc học, 70% đồng ý xác thực sinh trắc học có thể làm tăng mức độ an toàn cho các giao dịch trực tuyến.
Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (gồm internet banking và mobile banking) khá cao và đồng đều ở mọi nhóm tuổi và khu vực. Nhóm tuổi 22-24 chiếm tỷ lệ cao nhất với 77,8%.
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận tỷ lệ người dùng cao hơn so với các khu vực khác.
50% người tham gia khảo sát cho biết có sử dụng dịch vụ của 2 ngân hàng trở lên; tốp 5 ngân hàng có người dùng sử dụng dịch vụ trực tuyến nhiều nhất là Vietcombank, BIDV, MB, Agribank, VietinBank.