Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Nhớ một thời góp sức trẻ xây dựng Thủ đô
Tháng 10-1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Niềm vui tràn ngập được sống trong hòa bình, dù đất nước vẫn còn bị chia cắt.
Sau chiến tranh, rất nhiều thứ cần phải xây dựng lại và lực lượng chủ yếu chính là thanh niên.
Nhiều người Hà Nội hẳn còn nhớ phong trào lao động cộng sản chủ nghĩa xây dựng Thủ đô sôi nổi một thời. Thanh niên ngày ấy hầu như ai cũng đọc "Thép đã tôi thế đấy", coi như cuốn sách “gối đầu giường”, và ai cũng muốn noi theo tấm gương của chàng thanh niên Pavel Korchagin.
Giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch hồi ấy có con đường Cổ Ngư thơ mộng nhưng nhỏ hẹp. Năm 1957, đáp lời kêu gọi của chính quyền thành phố, hàng vạn thanh niên Thủ đô đã tham gia lao động mở rộng, làm mới đường Cổ Ngư. Những ngày thứ bảy và chủ nhật, hàng nghìn nam nữ thanh niên hăng hái gánh đất hay đẩy xe cải tiến lấy đất từ sông Hồng đem về đây đắp đường.
Những ngày đi lao động công trường là miệt mài từ sáng tới chiều. Góp khẩu phần lương thực để ăn trưa, áo quần tự túc chứ không được phát đồ bảo hộ. Dụng cụ thô sơ, chỉ có mai, cuốc, xẻng… Vận chuyển đất bằng cả gánh gồng và xe cút kít, có thêm những chiếc xe cải tiến, một người “cầm càng” phía trước còn hai người đẩy phía sau. Người ta phải trải ván gỗ trên mặt đất làm đường cho xe cút kít và xe cải tiến để giảm ma sát. Khắp công trường căng khẩu hiệu, loa phát chương trình văn nghệ động viên, tạo nên bầu không khí náo nức.
Năm 1959, con đường được hoàn thành. Người ta trồng thêm cây xanh ở hai bên đường. Để biểu dương thanh niên Hà Nội, Bác Hồ đặt tên mới cho đường Cổ Ngư là đường Thanh Niên và tên này tồn tại đến bây giờ. Có thể nói, cho tới hôm nay đường Thanh Niên vẫn là con đường đẹp và thơ mộng nhất Hà Nội. Vào những chiều hè, người dân Thủ đô rất thích đến đây để ngắm hồ Tây và tận hưởng làn gió mát lành.
Sau đường Thanh Niên, công trình lao động cộng sản chủ nghĩa đầu tiên để xây dựng Thủ đô, thanh niên Hà Nội tiếp tục tham gia các công trình lao động cộng sản chủ nghĩa khác, tiêu biểu là Công viên Thống Nhất, vốn là một bãi rác, vùng đầm lầy. Sau khi công trình hoàn thành, chính quyền đã đặt tên là Công viên Thống Nhất với ngụ ý mong muốn thống nhất nước nhà.
Trong Công viên Thống Nhất có hai hòn đảo. Một đảo mang tên đảo Dừa được xây một cây cầu bắc qua, còn một hòn đảo nằm độc lập giữa hồ được đặt tên là đảo Hòa Bình. Vì không có cầu bắc ra nên trên đảo Hòa Bình cây to mọc um tùm, cò trắng bay về làm tổ thành đàn. Vào các buổi chiều những cánh cò trắng chao lượn bay rợp một góc trời. Công viên Thống Nhất với con hồ rộng 7 mẫu thực sự trở thành “lá phổi xanh” cho môi trường Hà Nội, là nơi để người dân hằng ngày tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi, thư giãn.
Phong trào lao động cộng sản chủ nghĩa còn được phát động sôi nổi ở Hà Nội sau ngày đất nước thống nhất (1975). Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trước đó, Hà Nội cũng giống như mọi tỉnh, thành phố miền Bắc khác hầu như không xây dựng được thêm những công trình lớn. Tất cả chỉ tập trung cho sản xuất để tạo nguồn chi viện cho tiền tuyến. Nhưng đất nước hòa bình, thống nhất rồi thì phải tập trung xây dựng, phát triển Thủ đô, cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Thông qua lao động nghĩa vụ, hàng vạn thanh niên đến từ các khu phố, trường học, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Thủ đô lại nô nức tham gia các công trường. Lớn nhất phải kể đến công trình cải tạo sông Tô Lịch - do Liên hợp quốc tài trợ kinh phí - vào cuối những năm 1970. Người ta treo pano cổ động dọc sông Tô Lịch. Hình ảnh dòng sông sau nạo vét, cải tạo thật trong xanh, đẹp nhất là đoạn từ Bưởi sang Cầu Giấy với hai bên bờ là những vườn hoa đủ màu sắc, dưới sông từng đôi nam nữ thanh niên bơi thuyền với vẻ mặt hân hoan.
Giống như lớp cha anh hai chục năm về trước, thanh niên tham gia các công trường này vẫn lao động thủ công, nghĩa là vẫn dùng sức người là chính, với mai, xẻng, cuốc, gồng gánh và kéo, đẩy những chiếc xe cải tiến đầy đất. Hầu như không có một chút máy móc nào trên công trường. Mỗi người được phát một chiếc bánh mì để ăn trưa. Thế nhưng tất cả vẫn hăng say, miệt mài lao động...
Ngày ấy tôi đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Liền mấy năm, trước khi vào năm học, các khóa sinh viên đều đi lao động cộng sản chủ nghĩa một tháng. Năm đầu chúng tôi đi đào hồ Thanh Nhàn để xây dựng công viên, ngày nay là Công viên Tuổi Trẻ. Các năm sau chúng tôi tham gia nạo vét, cải tạo sông Kim Ngưu, sông Sét. Các lớp thi đua với nhau. Công trường nào cũng dựng những cái cột để căng khẩu hiệu, lắp loa truyền thanh. Tin tức thi đua thường xuyên được phát kèm theo ca nhạc cổ vũ tinh thần hăng say lao động.
Nhớ một thời đã qua, chúng tôi tự hào đã góp sức mình dựng xây nên Hà Nội tươi đẹp hôm nay.