Đời sống

Hà Nội: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Thúy Nga 05/07/2024 - 06:04

Thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí… cho trẻ em.

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 232-KH/TU ngày 23-4-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 25-12-2023 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-phananh-2022-05-31-_treem.jpg
Trẻ em vui chơi ở Công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Ảnh: Quang Thái

Để thực hiện đúng tinh thần nêu trong Kế hoạch số 232-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, thành phố sẽ tập trung phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Xác định trách nhiệm cụ thể của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đồng thời, tiếp tục ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhằm cụ thể hóa chính sách, pháp luật về trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, bố trí ngân sách để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các chương trình, kế hoạch, đề án về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tăng cường xã hội hóa, khuyến khích, huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện tốt các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em nhất là địa bàn vùng dân tộc, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Thành phố sẽ tăng cường công tác rà soát, thu thập, quản lý tốt tình hình trẻ em trên địa bàn, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt làm cơ sở cho việc tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nói chung, thực hiện can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho trẻ em theo quy định; chú trọng phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là can thiệp trợ giúp các trường hợp trẻ em bị xâm hại, vi phạm quyền trẻ em đảm bảo kịp thời, hiệu quả và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước.

Cùng với các hoạt động trên, các cơ quan chức năng thành phố còn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp thanh, kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thuộc lĩnh vực, phạm vi trách nhiệm quản lý của sở, ban, ngành và các địa phương; quản lý chặt chẽ các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo trợ, các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động khác liên quan đến trẻ em. Chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực, bỏ rơi, mua bán, lạm dụng, xúi giục, kích động trẻ em và các hành vi bị nghiêm cấm khác…