Bầu cử Quốc hội Anh:Thách thức lớn với đảng cầm quyền
Hôm nay (4-7), cử tri Vương quốc Anh đi bỏ phiếu để bầu 650 thành viên mới vào Hạ viện, đồng nghĩa với việc thành lập chính phủ mới. Đây được xem là kỳ bầu cử quan trọng đối với tương lai nước Anh sau 14 năm đảng Bảo thủ cầm quyền. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đảng Lao động đang trên đà giành chiến thắng lịch sử, đẩy đảng cầm quyền đứng trước muôn vàn thách thức.
Theo một số cuộc thăm dò dư luận gần đây, đảng Lao động dẫn trước đảng Bảo thủ tới 20 điểm, nghĩa là lãnh đạo đảng Lao động, ông Keir Starmer có thể trở thành Thủ tướng với đa số hơn 200 ghế. Chiến dịch tranh cử của đảng Lao động có khẩu hiệu ngắn gọn là: “Thay đổi”. Kể từ khi trở thành lãnh đạo đảng Lao động vào năm 2020, ông Keir Starmer đã cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và loại trừ việc tăng một số loại thuế, đồng thời tuyên bố: Tạo ra của cải là "ưu tiên số một" của đảng này. Những lời hứa khác của đảng Lao động bao gồm cắt giảm danh sách chờ của dịch vụ y tế quốc gia, xây dựng 300.000 ngôi nhà mới mỗi năm để giải quyết khủng hoảng nhà ở và đầu tư 24 tỷ bảng Anh (28,5 tỷ euro) vào công nghệ xanh.
Trong khi đó, đảng Bảo thủ phải đối mặt với nhiều thách thức kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2010. Đầu tiên là hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến nợ công của Anh tăng cao, buộc đảng Bảo thủ phải áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong nhiều năm để cân bằng ngân sách. Sau đó, đảng này đã đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), chống chọi với đợt bùng phát dịch Covid-19 khủng khiếp và ghi nhận lạm phát tăng vọt sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Nhiều cử tri đổ lỗi cho đảng Bảo thủ về hàng loạt vấn đề mà nước Anh đang phải đối mặt, từ tình trạng tràn nước thải và dịch vụ tàu hỏa không đáng tin cậy đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, tội phạm và dòng người di cư vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền bơm hơi.
Đảng Bảo thủ bị ảnh hưởng bởi những sai phạm liên tiếp của các bộ trưởng, bao gồm cả bê bối phá vỡ lệnh phong tỏa ngăn ngừa dịch Covid-19 năm 2020 tại Văn phòng Chính phủ, khiến Thủ tướng Boris Johnson phải từ chức. Người kế nhiệm là Liz Truss chỉ trụ được 45 ngày sau khi các chính sách kinh tế do bà đưa ra khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm. Hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Thủ tướng đương nhiệm đã không thuyết phục được cử tri rằng ông là người phù hợp để đưa nền kinh tế Anh trở lại đúng hướng.
Nền kinh tế xứ Sương mù đã phải vật lộn với lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chậm. Cùng với kinh tế, nhà ở, dịch vụ y tế quốc gia, di cư là những chủ đề nóng nhất trong chiến dịch tranh cử. Thủ tướng Rishi Sunak đã cố gắng xoa dịu cử tri lo ngại về số lượng người di cư bất hợp pháp đến bờ biển Anh bằng cách đưa ra kế hoạch gây tranh cãi là trục xuất những người xin tị nạn đến Rwanda. Nhưng kế hoạch này lại gây ra phản ứng dữ dội và chia rẽ đất nước, thậm chí Tòa án Tối cao còn phán quyết rằng kế hoạch này là bất hợp pháp... Ông Rishi Sunak còn được cho là không thực hiện đúng với một loạt cam kết về môi trường, lùi thời hạn chấm dứt việc bán xe chở khách chạy bằng xăng và dầu diesel, cho phép khoan dầu mới ở Biển Bắc... Những người chỉ trích cho rằng, đây là những chính sách sai lầm vào thời điểm thế giới đang cố gắng chống lại biến đổi khí hậu.
Với những hệ lụy nêu trên, đảng Bảo thủ đang gặp khó khăn trong việc nhận được đa số ủng hộ của cử tri. Mặt khác, đông đảo người dân Anh dường như đang kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn lao sau bầu cử. Điều này giúp đảng Lao động có nhiều lợi thế hơn. Đây cũng được xem là yếu tố quyết định “sao” có “đổi ngôi” hay không ở vị trí Thủ tướng Anh, khi hàng triệu cử tri nước này đang mong mỏi về một tương lai tốt đẹp hơn.
Theo quy định trong tổng tuyển cử của Vương quốc Anh, cử tri trên toàn quốc sẽ bầu ra 650 thành viên của Hạ viện, một người cho mỗi khu vực bầu cử địa phương. Không có bầu cử sơ bộ hay vòng hai, chỉ có một vòng bỏ phiếu duy nhất vào ngày 4-7. Đảng chiếm đa số trong Hạ viện, dù là đảng đơn lẻ hay liên minh với một đảng khác, sẽ thành lập chính phủ tiếp theo.
Các nhà phân tích nhận định, những người chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Anh vào hôm nay sẽ phải giải quyết những thách thức lớn nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.