Nắng nóng, uống nước thế nào tránh gây hại?
Trong những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao dễ gây nên tình trạng mất nước. Do đó, việc cung cấp nước cho cơ thể là vô cùng quan trọng và cần thiết. Thế nhưng, theo các chuyên gia y tế, việc uống quá ít hoặc quá nhiều nước đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cơ thể.
Những sai lầm nguy hại
Mới đây, ông T.T.A (71 tuổi, ở Hà Nội) được chuyển đến Khoa Nội thận - Tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) và được chẩn đoán, bị suy thận cấp do mất nước khi lao động ngoài trời nắng nóng liên tục trong nhiều ngày nhưng lại uống quá ít nước. Đây không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó, trong 2 tháng cao điểm nắng nóng của năm 2023, Khoa Nội thận - Tiết niệu cũng đã tiếp nhận 5 bệnh nhân suy thận cấp do mất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu cho biết, giai đoạn nắng nóng cao điểm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng suy thận cấp do mất nước. Bởi vì trời nắng nóng khiến cơ thể mất nước nhiều, mất điện giải. Nếu không được bù nước đúng mức sẽ dẫn tới giảm thể tích tuần hoàn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm cung lượng máu đến mô và các cơ quan, đặc biệt là thận, sẽ gây ra tình trạng suy thận cấp. Không chỉ việc uống ít nước khi làm việc ngoài trời nắng nóng, dẫn đến mất nước trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, theo các chuyên gia, việc bổ sung nước vô tội vạ, nhất là sau khi tập luyện thể dục, thể thao trong những ngày nắng nóng cũng gây hại cho cơ thể.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cảnh báo, nếu uống nước “ừng ực” sau khi tập cật lực trong một thời gian ngắn có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn điện giải. Trong y khoa gọi đó là hội chứng refeeding (hội chứng nuôi ăn lại). Giống như người đói kéo dài, khi ăn nhiều, các tế bào sẽ kích hoạt. Khi đó, các kênh được mở ra, đưa điện giải vào trong tế bào và khiến lượng điện giải trong máu tụt xuống nhanh, gây hoa mắt, chóng mặt, ngã, ngất xỉu, trụy tim mạch...
Thậm chí, kể cả thói quen của nhiều người thường uống luôn cốc nước to trong thời gian ngắn để giải cơn khát, sau khi từ bên ngoài trời nắng về nhà, theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô xy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), hành động này làm gia tăng áp lực lên hệ tuần hoàn và thận, không tốt cho sức khỏe. Uống nhiều nước một lúc còn gây ra tình trạng bài tiết, đi tiểu nhiều hơn, khiến rối loạn chất điện giải như natri, kali…
“Khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng bia, nước ngọt cho thêm đá lạnh cũng tăng lên. Tuy nhiên, một lon nước ngọt chứa khoảng 25-40gram đường. Trong khi đó, một người chỉ cần 20gram đường/ngày. Vì vậy, nếu uống quá nhiều nước ngọt sẽ có thể gây ra các rối loạn về chuyển hóa, làm gia tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng lưu ý.
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu nước
Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết với cơ thể con người. Các chuyên gia y tế cho rằng, nước chiếm tới 60-70% trọng lượng cơ thể. Ở người trưởng thành có cân nặng trung bình khoảng 50kg, sẽ có đến 29-32kg là nước. Còn ở trẻ sơ sinh, lượng nước chiếm từ 75% đến 80% trọng lượng cơ thể; những người trong khoảng 60-70 tuổi, nước chiếm 50% trọng lượng.
Vì vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, con người có thể nhịn ăn một ngày, thậm chí vài tuần, nhưng không thể thiếu nước. Một người chỉ cần mất từ 5% đến 10% nước đã coi như mất nước trầm trọng. Khi mất nước đến mức 15-20%, coi như đã hết hy vọng cứu chữa.
Để bảo đảm đủ lượng nước cho cơ thể, theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, hằng ngày, mỗi người nên theo dõi mình có uống đủ nước hay không qua quan sát nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt là khi đó cơ thể được cung cấp đủ nước. Còn nước tiểu sẫm màu là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu nước. Đặc biệt, mọi người cần lưu ý, không chờ đến khi cơ thể báo khát mới uống nước mà nên uống từng ngụm nhỏ thường xuyên, luôn để nước trong tầm tay, nhất là những ngày nắng nóng.
“Đối với một người, lượng nước trung bình mỗi ngày là 40ml/kg. Chẳng hạn, trong điều kiện thời tiết bình thường, với người có cân nặng 50kg, cần uống 2 lít nước/ngày. Số lượng nước này được chia làm 8 phần và chia đều theo công thức: 3 - 3 - 2 vào các buổi sáng, chiều, tối. Riêng với những trường hợp mắc các bệnh mãn tính như: Tim mạch, thận, đái tháo đường…, cần có sự tư vấn của bác sĩ về lượng nước sử dụng trong ngày”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo.
Uống 2 lít nước/ngày là lời khuyến nghị chung, còn các chuyên gia y tế lưu ý, lượng nước thực tế một người cần uống phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác nhau như cân nặng, cường độ vận động, môi trường làm việc và khí hậu. Nhu cầu về nước trong những ngày nóng bức, trong khi lao động thể lực hay tập luyện thể dục thể thao, trong tình trạng bị sốt, phụ nữ đang cho con bú tăng đáng kể so với bình thường. Do đó, tùy theo thể trạng sức khỏe, tình hình hoạt động mà mỗi người cần uống đủ một lượng nước khác nhau, phù hợp từng ngày để bảo đảm lượng nước vào cơ thể vừa đủ, tránh các vấn đề về sức khỏe.
Bên cạnh đó, không nên uống nước quá lạnh bởi nước lạnh không chỉ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa (do nước đá được làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh) mà còn gây ra các bệnh về đường hô hấp... Vào ngày nắng nóng càng cần hạn chế nước uống quá lạnh vì nước lạnh sẽ làm hạ nhiệt trong cơ thể và làm chậm lại quá trình trao đổi chất bên cạnh nguy cơ bị viêm họng. Mặt khác, không nên lạm dụng bia, nước ngọt có đường vì có thể gây hại cho cơ thể.