Kinh nghiệm lập pháp nhìn từ Luật Thủ đô năm 2024 Bài 4: Thống nhất, chặt chẽ trong thi hành luật
Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của HĐND, UBND thành phố Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã là vấn đề được UBND thành phố Hà Nội đặt lên hàng đầu trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024.
Tập trung cụ thể hóa những điểm nhấn
Công tác chuẩn bị hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô năm 2024 đã được lãnh đạo UBND thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cùng với quá trình xây dựng dự thảo luật trình Quốc hội.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ khẩn trương tham mưu triển khai xây dựng văn bản thi hành theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, UBND thành phố tập trung nguồn lực ưu tiên xây dựng những quy định chi tiết thi hành luật có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Thủ đô có hiệu lực (ngày 1-1-2025). Những nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025 là những vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu kỹ và triển khai việc xây dựng văn bản, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành trong quý I và quý II-2025.
Đối với vấn đề phân cấp, ủy quyền là nội dung cốt lõi của Luật Thủ đô năm 2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, Sở sẽ phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Văn phòng UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố, UBND cấp huyện tiến hành rà soát, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố trình HĐND thành phố trong quý IV-2024; tham mưu xây dựng các quy định về phân cấp, quyết định ủy quyền theo quy định của luật, văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố trình HĐND, UBND thành phố sau khi Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, thực tế sau 1,5 năm thực hiện ủy quyền thủ tục hành chính đối với 574/613 thủ tục hành chính (đạt 94%), Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, ủy quyền. Do đó, thành phố đã có nhiều kinh nghiệm để triển khai quy định của Luật Thủ đô năm 2024.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành thành phố chủ động thực hiện việc rà soát các quy định hiện hành của Trung ương và thành phố về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách thành phố; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực để đề xuất kế hoạch tổng thể việc xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định có liên quan. UBND thành phố sẽ giao Sở Tài chính chủ trì tổng hợp, đề xuất kế hoạch tổng thể về việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách của thành phố; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố chủ trì tổng hợp đề xuất ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực được giao.
Hiện thực hóa quy định về việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, trong đó lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của thành phố Hà Nội; UBND các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên đang tích cực triển khai Đề án “Xây dựng công viên văn hóa, cảnh quan bãi giữa sông Hồng” trong năm 2024. Tại quận Ba Đình, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Bùi Thanh Xuân cho biết, công tác giải tỏa bờ vở, bãi ven sông Hồng trên địa bàn đã hoàn thành trên diện tích 90.000m2 mặt bằng. Khu vực này sẽ được trồng cây xanh, hoa, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị.
Quy định “trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh” được dư luận nhân dân hết sức quan tâm. Để triển khai quy định này, UBND thành phố Hà Nội khẳng định, quy định là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đối tượng áp dụng của biện pháp này khác với đối tượng áp dụng của các biện pháp quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đồng thời, Luật Thủ đô năm 2024 quy định, chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết nhằm bảo đảm các yêu cầu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, Chủ tịch UBND các cấp mới được áp dụng biện pháp này; HĐND thành phố quy định chi tiết việc thực hiện biện pháp này.
Bảo đảm năng lực đội ngũ cán bộ thực thi
Bên cạnh việc nhanh chóng xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm, thẩm quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, Hà Nội cần phân công rất rõ ràng các đầu mối, đề ra thời gian cụ thể để thực hiện bảo đảm chất lượng cao nhất. Đồng thời, cần sự phối hợp rất chặt chẽ và thường xuyên với các cơ quan có thẩm quyền để trình Chính phủ ban hành các văn bản thuộc trách nhiệm của các cơ quan trung ương; bảo đảm đến khi Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 và những nhóm chính sách có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, sẽ có đầy đủ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó thành phố có thể bắt tay ngay vào triển khai thực hiện.
Thành phố Hà Nội cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, đảng viên và đặc biệt là các tầng lớp nhân dân Thủ đô hiểu rõ, hiểu đúng một cách đầy đủ về những quy định mới, những điểm đột phá trong Luật Thủ đô năm 2024. Từ đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân chung tay đóng góp triển khai luật hiệu quả.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, không chỉ trong tổ chức thực hiện mà công tác theo dõi thi hành Luật Thủ đô năm 2024 cũng là nhiệm vụ rất quan trọng cả về trước mắt và lâu dài. Theo đó, UBND thành phố sẽ giao các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô năm 2024 thuộc phạm vi quản lý; tham mưu UBND thành phố trong việc đôn đốc, thanh kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định và xử lý các vi phạm trong tổ chức thi hành luật trên địa bàn thành phố. UBND thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành luật.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Luật Thủ đô năm 2024, điều cần thiết là xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu “vừa hồng, vừa chuyên”, bảo đảm năng lực, có ý thức trách nhiệm cao và gương mẫu trong tổ chức triển khai thực hiện luật.
“Với rất nhiều cơ chế, chính sách đột phá trong Luật Thủ đô năm 2024, chúng ta phải thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ Quốc hội đã trao, với một tinh thần trách nhiệm cao nhất và đội ngũ cán bộ, công chức với tư duy mới, tầm nhìn mới, với yêu cầu đòi hỏi mới phải tự nâng cao năng lực, trình độ. Cùng với đó, tinh thần “vì nhân dân phục vụ” phải cao hơn nữa, lúc đó chúng ta mới có thể triển khai thực hiện luật một cách tốt nhất”, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai nói.
Nhấn mạnh công việc ở phía trước còn rất nhiều và việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô năm 2024 là bước ban đầu để trao gửi niềm tin của cả nước dành cho Thủ đô, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, các công việc sắp tới cần sự nỗ lực đồng hành, cộng đồng trách nhiệm từ lãnh đạo thành phố đến các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tổ chức thực thi luật. Từ đó, phát huy cao nhất những giá trị cốt lõi trong Luật Thủ đô năm 2024 mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã tin cậy giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
(Còn nữa)