Chủ động kiểm soát lạm phát
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023. Với mức tăng này, dư địa cho lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm vẫn còn. Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2024, mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở tăng, khiến không ít chuyên gia lo ngại việc kiểm soát lạm phát có bảo đảm được chỉ tiêu?
Đại bộ phận người dân phấn khởi trước việc tăng lương, vì giúp nâng cao chất lượng đời sống, tạo động lực phát triển, đồng thời góp phần thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước… Nhưng cũng không ít người lo lắng về khả năng giá cả thị trường tăng theo.
Nếu như trước đây giá thường tăng ngay khi có chủ trương, chính sách tăng lương thì trong những năm gần đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên ít xảy ra chuyện tăng giá ồ ạt khi tăng lương. Tuy nhiên không phải không còn hiện tượng “té nước theo mưa”. Bởi khi tăng tiền lương có nghĩa sẽ làm tăng chi tiêu công và cũng làm tăng nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng cá nhân. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng, xây dựng, đi lại, chuẩn bị phục vụ lễ, Tết tăng cao, tăng lương dẫn đến "hiệu ứng domino”, việc tăng giá nhiều dịch vụ thiết yếu vào thời điểm cuối năm là khó tránh khỏi…
Kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, chất lượng tăng trưởng kinh tế. Để lạm phát trong tầm kiểm soát, nhất là vào đúng thời điểm tăng lương, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Ngoài ra, để việc tăng lương không tác động đến tăng giá, cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường. Song song với đó, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đặc biệt, tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương, dễ gây lạm phát kỳ vọng, kéo giá hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo... Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần giảm lãi suất cho vay; kết hợp với việc Chính phủ điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước. Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động du lịch thông qua việc đẩy mạnh thu hút khách quốc tế trong 6 tháng cuối năm 2024; triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nội địa.
Hiện nay, có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực, vốn đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, dự báo được tình hình, sẵn sàng đối phó với các tình huống sẽ giúp Chính phủ giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất. Với các giải pháp kiềm chế lạm phát, Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4 đến 4,5% đã được Quốc hội thông qua là hoàn toàn khả thi.