Livestream bán hàng được bổ sung vào danh mục đào tạo nghề
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong danh mục 77 nghề đào tạo có cả nghề mới, như livestream bán hàng hay giúp việc gia đình.
Mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ mười bảy HĐND thành phố Hà Nội về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố trong chiều 3-7, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ) đề cập thực trạng trên địa bàn Thủ đô còn trên 1,1 triệu lao động chưa được đào tạo nghề và khoảng 2 triệu lao động không có bằng cấp. Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có “sốt ruột” với thực trạng trên?
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương nêu, tỷ lệ lao động chưa được đào tạo nghề của thành phố so với các chỉ tiêu, chương trình, nhiệm vụ, nghị quyết và đề án cũng như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thành phố đều đạt và vượt cao hơn.
“Vậy nên, so với nhiệm vụ phải làm, chúng tôi không sốt ruột. Nhưng với trách nhiệm cá nhân là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho thành phố về vấn đề lao động, việc làm, nâng cao trình độ về trong lực lượng lao động thì tôi thấy rất sốt ruột và thấy rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ.
Thông tin tới đại biểu Vũ Mạnh Hải (Tổ Thường Tín) về việc cập nhật, bổ sung danh mục đào tạo nghề, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2022, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành danh mục 78 nghề đào tạo dưới 3 tháng. Để bảo đảm danh mục này gắn với thực tiễn của thị trường, năm 2023, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã để rà soát, tham mưu cho UBND thành phố điều chỉnh, rà soát còn 77 nghề, trong đó có rút và bổ sung 15 nghề mới.
“Trong danh mục 77 nghề có cả nghề mới như đại biểu đã đề cập là livestream bán hàng hay giúp việc gia đình. Về cơ cấu, trong 77 nghề thì có 24 nghề là nông nghiệp và 53 nghề là nghề phi nông nghiệp", bà Bạch Liên Hương thông tin.
Tập trung xây dựng 4 trường nghề chất lượng cao
Làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Nguyễn Lan Hương (Tổ Tây Hồ) về phân tích, dự báo về nguồn lao động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, theo chỉ đạo của Thành ủy và kế hoạch, chương trình công tác của UBND thành phố, từ đầu năm 2024 UBND thành phố đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ngành tập trung hoàn thiện đề án nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề trên địa bàn đến năm 2030. Trong đó, thành lập các tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ phân tích, dự báo và đặc biệt là định hướng nghề trọng tâm, trọng điểm 10 năm tới của thành phố và giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo. Dự kiến trong tháng 8-2024, đề án sẽ được hoàn thiện để trình các cấp xem xét và tổ chức thực hiện.
Thành phố xác định đối với hệ thống các trường nghề sẽ tập trung xây dựng 4 trường chất lượng cao từ giai đoạn 2021, đến thời điểm này, thành phố đã có 2 trường là Trường Cao đẳng Công nghệ cao và Cao đẳng Nghề công nghiệp; có 2 trường thành phố đã rà soát, đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa vào bổ sung, đó là trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Cao đẳng Việt - Hàn nhưng đến nay chưa được phê duyệt chính thức.
Ngoài lộ trình đối với 4 trường nêu trên, trong đề án xây dựng nâng cao chất lượng hệ thống các trường nghề, thành phố cũng đã đánh giá, cập nhật, bổ sung các giải pháp và bổ sung thêm các trường, sẽ trình báo cáo cấp có thẩm quyền vào tháng 8-2024.
Có nguồn vốn nhưng chưa hấp dẫn được đối tượng vay
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Hải Hoa (Tổ Phú Xuyên) về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, được thành phố bổ sung hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, tổng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đến thời điểm này có 8.300 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn.
Về quy chế cho vay, hiện nay đang thực hiện theo Quyết định 26 ban hành từ năm 2017 của UBND thành phố. Trong đó, thành phố quy định mức cho vay 2 tỷ đồng đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng điều kiện ràng buộc là cứ 100 triệu đồng vay phải giải quyết được việc làm cho 1 lao động. Điều này thuận tiện cho giải quyết việc làm cho người lao động nhưng gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh khi muốn cải tiến máy móc, thiết bị mà vẫn phải sử dung lao động. Thực tế ít sử dụng lao động sẽ hiệu quả hơn nhưng vẫn bị ràng buộc phải giải quyết việc làm cho lao động theo quy định.
Bên cạnh đó, quy định về lãi vay hiện không linh hoạt, cố định theo quy định của Chính phủ mà không được ban hành lãi vay riêng của Hà Nội. Trong khi đó ngân hàng thương mại rất linh hoạt với các mức lãi vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn... Do đó, nguồn thì có nhưng chưa hấp dẫn được đối tượng cho vay là các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Giải pháp được Giám đốc Sở Tài chính nêu ra là tham mưu điều chỉnh Quyết định 26 theo hướng nâng mức 2 tỷ lên 4-5 tỷ đồng; mở rộng phạm vi thu hút lao động hoặc cho vay riêng để sản xuất, kinh doanh chứ không ép cứ 100 triệu đồng là phải giải quyết việc làm cho 1 lao động; nghiên cứu phương án tỷ lệ % theo lãi suất ngân hàng, để khi ngân hàng điều chỉnh là có thể điều chỉnh để người vay nhìn thấy so với ngân hàng thương mại là thấp hơn...
Tiếp thu ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND liên quan đến nhóm lĩnh vực về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, trước kỳ họp, HĐND thành phố đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực nêu trên, trong đó UBND thành phố đã nhận nhiều ý kiến, thông tin đa chiều về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
“Ngay sau tiếp xúc cử tri chuyên đề, UBND thành phố đã chỉ đạo cập nhật các nhóm nội dung vào đề án cũng như kế hoạch, giải pháp triển khai trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin và cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu HĐND để tổng hợp, tập trung chỉ đạo để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần nâng cao đời sống người dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.