Cải cách hành chính

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: “Nóng” vấn đề cải cách hành chính

Hiền Chi - Ảnh: Viết Thành 03/07/2024 13:23

Sáng 3-7, tại kỳ họp thứ mười bảy, HĐND khóa XVI, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm.

Trong đó, nhiều nội dung trong công tác cải cách hành chính, như: Các chỉ số về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, số lượng biên chế để thực thi công vụ..., được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

z5596794202771_2c8b16344f0a5a8e22209126315a88f2.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Không ngừng cải thiện các chỉ số

Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh) về việc một số Chỉ số liên quan tới công tác cải cách hành chính thấp, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; thời gian qua vẫn còn các cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh, cho biết: Những năm qua, công tác cải cách hành chính được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao. Kết quả thực hiện các chỉ số cải cách hành chính của thành phố có bước chuyển biến tích cực, được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao.

Sở Nội vụ được giao chủ trì ba nội dung trong Chỉ số cải cách hành chính, đó là Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Ba chỉ số này năm 2023 đã tăng, giữ hạng, cải thiện điểm, bảo đảm các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, cải cách hành chính tiếp tục giữ hạng ở vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số SIPAS tăng 9 bậc so với năm 2022; Chỉ số PAPI tiếp tục ở nhóm 1, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố đề ra.

Tuy nhiên, Chỉ số PAPI có giảm thứ hạng, về nguyên nhân, trách nhiệm. Chỉ số PAPI giảm thứ hạng là do có các trục nội dung giảm điểm so với năm 2022 (chỉ số thành phần về chỉ số quản trị môi trường, giảm 3 bậc; chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, giảm 10 bậc; thủ tục hành chính công, giảm 19 bậc). Các nội dung giảm điểm tùy từng lĩnh vực thuộc trách nhiệm của ngành Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; các cơ quan chủ trì tham mưu ngành nội chính, cơ quan tổ chức có cá nhân, tập thể vi phạm, kỷ luật; các cơ quan tham mưu trong giải quyết thủ tục hành chính; các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì và một số UBND quận, huyện và sở, ban, ngành...

Do phần lớn nội dung Chỉ số PAPI có nhiều nội dung liên quan chặt chẽ với nhiều vấn đề đời sống dân sinh ở cấp cơ sở, thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện và xã, nên giải pháp sắp tới, đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở và gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cũng chủ động hơn trong công tác này.

z5596794169757_3d55a081ceb5c8a68b75016fc3362fd1.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Chí Lực (Tổ Ba Đình), Lê Kim Anh (Tổ Sóc Sơn) về kỷ luật, kỷ cương, nhất là sau khi thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” và tranh luận của đại biểu Duy Hoàng Dương (Tổ Hoài Đức) về việc đã thanh tra, kiểm tra công vụ, vậy kết quả xử lý thế nào?, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết: Hằng năm, UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đều tổ chức các đoàn kiểm tra công vụ, cùng đó có các đoàn kiểm tra liên ngành. Toàn thành phố từ năm 2021 đến nay đã tổ chức 4.479 cuộc kiểm tra công vụ. Các đơn vị hiệp quản đã tiến hành 4.340 cuộc; đoàn kiểm tra công vụ đã kiểm tra 139 cuộc ở 155 sở, ban, ngành; xử lý kỷ luật 1.759 trường hợp. Các đoàn kiểm tra đã đi sâu, phát hiện hầu hết những công việc, thủ tục hành chính chậm được giải quyết liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; cùng đó do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, không sát tình hình thực tiễn nên khó thực thi.

Sau gần một năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, đoàn kiểm tra công vụ nhận thấy có chuyển biến tích cực, thể hiện ở các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt tốt. Nhiều việc tồn tại lâu năm sau kiểm tra đã được giải quyết. Không có đơn vị nào không thực hiện nghiêm kết luận của Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố.

“Với khối lượng công việc nhiều, biên chế chưa được bố trí tương xứng, tình trạng chậm muộn trong giải quyết công việc một phần do những khó khăn, phức tạp của cơ chế, chính sách và một phần cũng do thái độ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức. Với sự lãnh đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND, tôi tin rằng thời gian tới nhiệm vụ này sẽ từng bước chuyển biến”, đồng chí Trần Đình Cảnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho rằng, sự thay đổi về kỷ cương, kỷ luật cũng không thể một sớm một chiều. Để đẩy lùi hạn chế, tiêu cực, sách nhiễu thì trước hết, trách nhiệm thuộc về cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu, trong đó có trách nhiệm của cơ quan chủ trì trực tiếp tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ.

Nêu cao tinh thần phục vụ, làm việc bằng trái tim

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (Tổ Đống Đa) về một số lượng không nhỏ hồ sơ còn chậm muộn, trong đó có nguyên nhân do thái độ, tinh thần làm việc của một số cán bộ, công chức chưa làm hết trách nhiệm (thuộc lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường), giải pháp thời gian tới thế nào? Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết lượng hồ sơ thủ tục sở tiếp nhận rất lớn nên có nhiều khó khăn. Sở đã rà soát và sẽ xây dựng minh bạch quy trình giải quyết để thống nhất cách giải quyết. Còn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, thời gian qua đã kiểm điểm, điều chuyển một số cán bộ và đã tiến hành kiểm tra công vụ, tiến hành xếp loại, hạ bậc xếp loại đối với các trường hợp vi phạm.

z5596903895232_0c424363cb464a8663be5ba1bc116f1e(1).jpg
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (huyện Mê Linh) chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Băn khoăn về trình độ cán bộ, công chức của Thủ đô các cấp không thể thấp hơn các tỉnh khác, vậy tại sao một số chỉ số thấp so với các tỉnh, thành phố, Đại biểu Phạm Đình Đoàn (huyện Mê Linh) đặt câu hỏi: “Thành phố có chương trình đào tạo hay chỉ số gì đánh giá về cán bộ, công chức không những làm việc bằng tri thức mà còn “làm việc bằng trái tim” hay không?”.

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, cho biết: Với tinh thần quyết tâm cao, UBND thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy trong việc nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 24 -CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai, tổ chức giám sát, tăng cường kiểm tra… Kết quả giai đoạn vừa rồi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tốt. Nhiều nội dung lớn, mới được hoàn thành, như: Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng đồ án Quy hoạch chung Thủ đô, triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội… Đây là những việc mới, việc khó nhưng rõ ràng với tinh thần cải cách hành chính, tinh thần đổi mới chúng ta đã đong đếm bằng kết quả cụ thể.

z5597788649346_c686e8c1da8b37de294fc940dd6383dc.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Ảnh: Viết Thành

Về các chỉ số thấp, tụt hạng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, thành phố đã họp, phân tích kỹ 6 chỉ số; yêu cầu đánh giá từng chỉ số, lý do tại sao lại có những chỉ số lại giảm.

Quan điểm chỉ đạo của thành phố là phải đo lường, đo đếm được kết quả cụ thể, hướng tới không chỉ cuối năm mới đo đếm xác định chỉ số mà từng chỉ số thành phần có thể đo đếm được theo tuần, theo tháng. Cách làm này sẽ giúp từng đơn vị, sở, ngành, địa phương nhìn thấy mình đang đứng ở đâu, so sánh với các đơn vị khác để phấn đấu. Cùng với đó, thành phố rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành, ban hành quy chế, quy trình, đặc biệt là quy trình liên thông, chuyển đổi số...

Về các vấn đề tồn tại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho hay, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là con người - trình độ kiến thức, năng lực, kỹ năng, thái độ khi làm việc. Liên quan đến tinh thần “làm việc bằng trái tim”, thành phố hiện xác định phương châm làm việc “3 nguyên tắc, 7 phấn đấu”. Theo đó, nguyên tắc làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng phải luôn luôn lắng nghe để hoàn thiện hoặc đề xuất sửa đổi. Nếu chúng ta làm bằng tinh thần phục vụ, bằng trái tim thì chắc chắn hiệu quả, chất lượng công việc, đặc biệt là niềm tin, sự ghi nhận của người dân với hệ thống sẽ rất tốt.

z5597115162673_c6fc1eb8dc466b544dff3ffaa442c21c.jpg
Đại biểu Vũ Đức Bảo (Tổ Gia Lâm) chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Vũ Đức Bảo (Tổ Gia Lâm) cho rằng, chỉ số rất đáng quan tâm và cần khích lệ là Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội - đang đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Thời gian qua, thành phố tập trung thực hiện rất nhiều giải pháp về cải cách hành chính như ban hành các quy trình, quy chế, quy định và đặc biệt là phân cấp, ủy quyền.

Khẳng định trình độ cán bộ, công chức Hà Nội không thấp hơn các tỉnh, đại biểu Vũ Đức Bảo thông tin, thành phố tập trung đào tạo cán bộ theo vị trí việc làm, kỹ năng làm việc. Cán bộ trên địa bàn thành phố hiện có 2 nhóm, trong đó có nhóm thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố rất quan tâm đến cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của các cơ quan tham mưu chuyên môn, bao gồm người đứng đầu các sở, ngành.

Phê duyệt được 2.687 đề án vị trí việc làm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tổ Tây Hồ) về phân cấp, ủy quyền, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, toàn thành phố hiện có 1.875 thủ tục hành chính, thành phố có phương án phân cấp 617 thủ tục hành chính, đang rà soát, dự kiến tiếp tục phân cấp 547 thủ tục hành chính. Riêng Hà Nội được Trung ương giao phân cấp 50% thủ tục hành chính (mức trung bình các tỉnh là 20%). Xác định việc này từ sớm, thành phố Hà Nội hiện đã đơn giản hóa được hơn 1.070 thủ tục hành chính, đạt 54%, vượt chỉ tiêu được giao được giao.

Đối với thủ tục hành chính nội bộ, đến thời điểm này, thành phố đã hoàn thành kế hoạch, nhận diện 5 bước để triển khai. Hiện đã nhận diện được toàn thành phố có 5.545 thủ tục hành chính nội bộ, trên cơ sở này, xây dựng quy trình đơn giản hóa.

Về vị trí việc làm, đến nay, Sở Nội vụ đã phê duyệt được 2.687 đề án vị trí việc làm, hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ. Điểm đột phá trong vị trí việc làm đợt này là chuyên môn đào tạo, hạng chức danh nghề nghiệp và ngạch công chức.

z5596903904322_c0cb0825154804853d18117a77e79fea.jpg
Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Khắc phục tồn tại, hạn chế chậm muộn công việc có liên quan khối lượng công việc lớn, áp lực nhiều mà số lượng cán bộ, công chức cũng như các nơi khác.

Đồng chí Trần Đình Cảnh khẳng định: “Số lượng biên chế cán bộ công chức được giao cho thành phố chưa tương xứng với số lượng, khối lượng, quy mô, tính chất của thành phố”. Theo ông Cảnh, có những thủ tục hành chính thành phố Hà Nội giải quyết gấp 39 lần so với thủ tục hành chính đó ở các tỉnh, thành phố khác, nhưng số lượng biên chế cán bộ, công chức chỉ thêm 1-2 người. Tỷ lệ biên chế của thành phố Hà Nội trên tổng dân số cũng cao hơn mức bình quân của cả nước - gấp 3 lần... Về vấn đề này, UBND thành phố đã có những kiến nghị cụ thể với Bộ Nội vụ.