Chính trị

Một bộ phận cán bộ thực thi công vụ chưa nghiêm khiến nhiều việc triển khai chậm

Bảo Vy 03/07/2024 - 11:21

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn vi phạm, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thậm chí vi phạm pháp luật, dẫn tới nhiều việc của thành phố triển khai chậm, không hiệu quả - Đây là ghi nhận từ phim phóng sự của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 3-7.

3.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Viết Thành

3 năm, chậm 16.000 hồ sơ liên quan đến doanh nghiệp

Theo báo cáo, mặc dù UBND thành phố, Ban Chỉ đạo của thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch để khắc phục chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng có những chỉ số bị tụt lùi nhiều bậc so với năm trước.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để xảy ra quá hạn; kết quả giải quyết một số hồ sơ TTHC chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhất là đối với một số TTHC. Cụ thể, lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp, trong 3 năm có hơn 16.000 hồ sơ bị chậm; lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp chậm hơn 1.700 hồ sơ; TTHC lĩnh vực đất đai có hơn 300 hồ sơ bị chậm.

5.jpg
Đại biểu Vũ Ngọc Anh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Trong khi đó, Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin "một cửa điện tử" của thành phố đang vận hành trong giai đoạn đầu, còn xuất hiện nhiều lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho các đơn vị trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC. Một số sở, ngành chậm nghiên cứu, tham mưu ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức đơn giá nên còn thiếu căn cứ để triển khai một số nhiệm vụ. Một số cơ quan, đơn vị có phạm vi chức năng, nhiệm vụ lớn, song số lượng quy trình giải quyết công việc hành chính nội bộ được xây dựng và ban hành còn quá ít, chưa ban hành đầy đủ các quy trình để thực hiện.

Không chỉ vậy, cũng chính việc hạn chế trong TTHC dẫn đến chậm triển khai các công trình trọng điểm và các dự án thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cụ thể, Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai dài 21,7km, hiện mới giải ngân 7,1% kế hoạch vốn; theo kế hoạch quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ phải bàn giao 100% mặt bằng để thi công dự án, nhưng đến nay mới được 40-70%. Dự án Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có tổng mức đầu tư hơn 792 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2022-2025, nhưng đến tháng 5-2024 mới trình phương án kiến trúc và chưa rõ thời điểm triển khai. Dự án Bảo tàng Hà Nội đã nhiều lần được điều chỉnh thời gian, tập trung chỉ đạo, nhưng cho đến thời điểm này, phần trưng bày hiện vật vẫn chưa thể hoàn thành...

4.jpg
Đại biểu Đoàn Việt Cường chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Ngoài ra, trên địa bàn còn nhiều dự án, công trình của thành phố nằm trong kế hoạch đầu tư công, nhưng tiến độ triển khai vẫn rất chậm… Đơn cử, dự án Nhà máy Xử lý rác thải Châu Can tại huyện Phú Xuyên và Nhà máy Xử lý rác thải Núi Thoong tại huyện Chương Mỹ, 4 công viên lớn nằm trong kế hoạch cải tạo nâng cấp là: Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo, Hòa Bình; công viên Chu Văn An tại huyện Thanh Trì, Công viên Văn hóa vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông...

Liên quan đến bãi đỗ xe, Thường trực HĐND thành phố cũng chỉ rõ, dù đã có quy hoạch hơn 70 bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội, nhưng sau 10 năm, các dự án này vẫn chỉ là ý tưởng “trên giấy”.

Chậm triển khai các quy định về quản lý tài sản công

Cũng theo ghi nhận của Thường trực HĐND thành phố, nhiều tài sản công được HĐND thành phố kiến nghị xử lý nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, cụ thể: Nhà số 35 Điện Biên Phủ, nhà chuyên dùng 281 Đội Cấn... Những nội dung này đã được HĐND thành phố chất vấn vào tháng 7-2022, nhưng sau phiên chất vấn, các công trình không những chưa bị xử lý, mà còn được cải tạo, chỉnh trang to đẹp hơn…

Tương tự, nhà số 46 Trần Hưng Đạo nợ đọng nhiều nghĩa vụ tài chính, nợ tiền thuê nhà hơn 18,5 tỷ đồng, tiền thuê đất nợ hơn 19,5 tỷ đồng, đơn vị thuê nhà đã có văn bản đề nghị trả lại nhà nhưng lại không bàn giao. Đối với nhà số 36 Bà Triệu, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi, giao UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức cưỡng chế nhưng đến nay chưa thực hiện. Nhà số 42 Hàng Đường, Hợp tác xã Tiến Thành không phối hợp, nợ đọng nhiều nghĩa vụ tài chính; khu liên cơ số 6 Nguyễn Công Trứ vẫn đang trong quá trình thanh tra xử lý…

Bên cạnh đó còn chậm triển khai các dự án vốn ngoài ngân sách như: Dự án tòa nhà đa năng 131 Thái Hà, quận Đống Đa do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng và Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng làm chủ đầu tư, khởi công năm 2008 trên khu đất có diện tích hơn 6.700m2, nhưng đến nay công trình vẫn đang tạm dừng.

Tháng 12-2002, UBND thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi hơn 3.500m2 đất tại số 2-4 Đội Nhân, quận Ba Đình, là tài sản đất đai của Nhà nước do Công ty Lương thực Hà Nội sử dụng kém hiệu quả, giao cho Công ty ICC để thực hiện dự án xây trụ sở làm việc và nhà ở. Nhưng sau 22 năm được giao đất, dự án không được Công ty ICC xây dựng, mà trở thành bãi trông giữ ô tô không có giấy phép đã bị xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm…

7.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Những hạn chế, tồn tại trên được Thường trực HĐND thành phố cung cấp để các đại biểu HĐND thành phố có thêm thông tin đặt câu hỏi chất vấn, làm rõ những vấn đề cần quan tâm để phiên chất vấn đạt kết quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực.