Nông nghiệp

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp: Giảm sức lao động, tăng thu nhập

Ngọc Quỳnh 02/07/2024 - 06:59

Thời gian qua, với nhiều chính sách hỗ trợ của thành phố, các địa phương đã đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nói chung và vụ mùa năm 2024 nói riêng.

Nhờ đó, đã nâng cao năng suất, giảm chi phí, tổn thất sau thu hoạch, giải phóng sức lao động cho người dân…

nong-nghiep.jpg
Sử dụng máy cấy trong sản xuất vụ mùa năm 2024 tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hương Giang

Thay đổi tập quán sản xuất

Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Chuyên, xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Văn Thông, vụ mùa năm 2024, hợp tác xã gieo cấy 245ha lúa. Hợp tác xã đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, với 100% diện tích lúa sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%; tỷ lệ diện tích lúa cấy bằng máy đạt từ 70% đến 80%.

“Lúa cấy bằng máy có mật độ đồng đều, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh, nên giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và năng suất lúa cũng cao hơn từ 10% đến 15% so với cấy bằng tay. Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy còn giúp các xã quy hoạch được vùng sản xuất gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà vụ, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ”, ông Nguyễn Văn Thông cho hay.

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Đại cho biết, vụ mùa năm 2024 toàn xã cấy hơn 200ha. Đến nay, tỷ lệ khâu làm đất, gặt lúa trên địa bàn xã đạt 100%; còn tỷ lệ gieo cấy khoảng 20%. Nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đã giúp giảm bớt sức lao động cho nông dân, khắc phục tình trạng thiếu lao động chính vụ, rút ngắn thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch.

Đánh giá về hiệu quả chương trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, năm 2023, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trên địa bàn thành phố đã đạt 100% diện tích, tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy là hơn 3% và tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt hơn 90% diện tích.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội; trong đó có chính sách hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đã thúc đẩy cơ giới hóa của thành phố phát triển mạnh mẽ. Vụ xuân năm 2024 vừa qua, tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy toàn thành phố đã đạt 14%, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn thành phố.

“Vụ mùa năm 2024, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy, hứa hẹn vụ mùa đạt năng suất, chất lượng cao. Hơn nữa, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn (làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...)”, ông Nguyễn Mạnh Phương thông tin.

Tiếp tục hỗ trợ cơ giới hóa các khâu sản xuất

Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn khó khăn, như: Mới chỉ tập trung ở khâu làm đất, gặt, còn một số khâu gieo cấy, sơ chế, chế biến sâu mức độ cơ giới hóa còn thấp. Đặc biệt, trong bối cảnh lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp trở thành xu hướng phổ biến, do đó tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, nhất là vào các mùa vụ chính. Trong khi đó, quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầngkỹ thuật ở nhiều vùng, nhất là vùng trũng, đồi gò vẫn chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ…

Nhằm tháo gỡ khó khăn, UBND thành phố bố trí hơn 37 tỷ đồng để hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, trong năm 2024, thành phố dự kiến thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai và số lượng máy cấy hỗ trợ là 89 cái, với tổng kinh phí 16,508 tỷ đồng. Năm 2025, dự kiến các huyện được hỗ trợ: Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thường Tín, Đông Anh, Ứng Hòa, Quốc Oai, Phú Xuyên, Sóc Sơn, với số tiền là 20,586 tỷ đồng để mua 112 máy cấy. Đây sẽ là cú hích thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng, nhất là khâu gieo cấy.

Theo ông Phạm Văn Vĩnh, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Bình (huyện Thường Tín), để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu gieo cấy, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã thủ tục, hồ sơ vay vốn hỗ trợ của thành phố. Hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra thuận lợi, nâng cao giá trị sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ hợp tác xã đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán canh tác của người dân từ truyền thống sang hiện đại.

Các địa phương cũng cần hoàn thiện hạ tầng nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước; thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn tại các địa phương. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động đầu tư mua sắm các loại máy móc, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng.