Vớt vát trong vô vọng
Kết quả vòng đầu cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn diễn ra vào ngày 30-6 vừa qua ở nước Pháp đúng như dự đoán.
Đảng cực hữu Rassemblement National (RN) của bà Marine Le Pen giành được tỷ lệ phiếu bầu còn cao hơn cả ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) trước đấy.
Phe cánh của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron vẫn ở vị trí thứ ba với tỷ lệ phiếu bầu không bằng 2/3 tỷ lệ phiếu bầu mà phe RN đã đạt được, đồng thời cũng còn thấp hơn nhiều liên minh các đảng phái cánh tả.
Phe RN của bà Le Pen lại thắng lớn nhưng chưa giành được đa số trong tổng số 577 ghế dân biểu quốc hội để trở thành đảng thành lập chính phủ mới. Vòng bầu cử thứ hai vào ngày 7-7 tới sẽ quyết định việc đó. Vòng bầu cử này chỉ xác định phe cánh của bà Le Pen cuối cùng thắng lớn đến mức độ nào ở cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn năm nay, chứ kết quả thất cử của phe cánh ông E.Macron đã được định đoạt.
Người này đã thất bại trong cuộc bầu cử EP và tìm cách vớt vát bằng quyết định giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Kết quả bầu cử cho thấy, ông E.Macron đã có quyết định sai lầm tai hại về chính trị. Giống như Tổng thống Pháp Jacques Chirac hồi năm 1997, ông E.Macron đã đánh giá sai diễn biến tâm lý của cử tri Pháp. Đại đa số cử tri ở Pháp đã quá thất vọng về ông E.Macron và cộng sự. Nước Pháp đã thay đổi tới mức cử tri Pháp thà chấp nhận cuộc thí nghiệm chính trị quyền lực mới với phe cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa, còn hơn là để cho phe của ông E.Macron hay các liên minh chính trị khác cầm quyền. Hai cuộc bầu cử trong thời gian ngắn, cuộc bầu cử EP và cuộc bầu cử Quốc hội Pháp trước thời hạn, đã làm ông E.Macron sa sút vị thế, cũng như ảnh hưởng ở nước Pháp và ở châu Âu. Vớt vát vô vọng như thế làm cho tình cảnh hiện tại của ông E.Macron càng thêm bi quan.
Kết quả vòng bầu cử này cho thấy, nước Pháp đã thay đổi rất cơ bản về chính trị và xã hội. Cách đây 22 năm, đảng Mặt trận quốc gia, tiền thân của đảng RN ngày nay và do người cha của bà Le Pen làm thủ lĩnh, không giành được ghế dân biểu nào trong bầu cử quốc hội. Bây giờ, đảng RN ở bên ngưỡng của cơ hội thành lập chính phủ để cùng cầm quyền với tổng thống.
Sau hai vòng bầu cử quốc hội, nếu phe RN giành được đa số tuyệt đối trong quốc hội thì ông E.Macron sẽ phải chia sẻ quyền lực với phe này. Người Pháp gọi đấy là "cohabitation", tạm dịch là "cùng chung sống". Ông E.Macron sẽ là Tổng thống Pháp thứ tư sau Charles de Gaulle, Francois Mitterrand và Jacques Chirac bị buộc phải chấp nhận tình trạng mất mặt và thất thế này. Ông E.Macron được hiến pháp dành cho quyền nắm chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng đối nội và đặc biệt về ngân sách lại thuộc về quyền hạn của chính phủ. Phe RN sẽ không để cho ông E.Macron muốn làm gì thì làm cả trong chính sách đối ngoại và quốc phòng. Sẽ có những cuộc cải cách chính trị xã hội mà ông E.Macron đã tiến hành sẽ bị đảo ngược. Nước Pháp sẽ không như trước trong quan hệ với EU và Nga, bao gồm chuyện tiếp tục hậu thuẫn Ukraine trong xung đột với Nga.
Nếu phe RN không giành được đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ thì nước Pháp sẽ lâm vào tình trạng không có chính phủ. Phải sau đây ít nhất một năm, Tổng thống E.Macron mới lại có thể giải tán quốc hội vừa được bầu để tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới - trừ khi ông từ chức sớm. Mà người này đã tuyên bố không từ chức. Vậy nên, phía trước là thời kỳ đầy bất ổn của nước Pháp về chính trị quyền lực và ổn định xã hội.