Quyết tâm triển khai hiệu quả ngay khi Luật Thủ đô có hiệu lực
Cùng với các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024, nhiều đại biểu HĐND kiến nghị, thành phố cần quyết tâm, chủ động triển khai các công việc để khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực, các chính sách sẽ ngay lập tức đi vào cuộc sống.
Nhận diện “điểm sáng” và giải pháp tháo gỡ khó khăn
Chiều 1-7, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về 4 nội dung quan trọng.
Nhìn lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố 6 tháng đầu năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (Tổ Chương Mỹ) cho rằng, thành phố đã rất nỗ lực, cố gắng để vượt qua những khó khăn gặp phải ngay cả nội tại của thành phố cũng như tình hình chung của đất nước. Một số điểm sáng được chỉ ra về thu ngân sách nửa đầu năm 2024 là thu thuế thương mại điện tử rất lớn; thu nội địa đạt mục tiêu đề ra; các ngành kinh tế đều tăng trưởng khá, tăng trưởng tốt, duy có ngành thương mại giảm.
Tuy nhiên, theo đại biểu, một số vấn đề cần làm rõ nguyên nhân như thu ngân sách từ đất còn khó khăn; hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn khi tỉ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng; giải ngân vốn đầu công rất chậm; triển khai công tác tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội chậm…
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, để đạt được tăng trưởng theo kịch bản đã đặt ra, cần phải có giải pháp để đạt được mục tiêu. Giải ngân vốn đầu tư công cũng cần phải có các giải pháp tăng tỷ lệ khi hiện nay thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền.
Đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ Ba Vì) cho rằng, năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ. Do đó, cần có giải pháp quyết liệt khi thành phố mới chỉ giao được 57% kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó mới giải ngân được 77,2% số vốn được giao.
Đại biểu Nguyễn Bích Thủy (Tổ Cầu Giấy) đánh giá cao 6 tháng qua, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do đó, đề nghị thành phố cần đánh giá nguyên nhân, có kế hoạch cụ thể tháo gỡ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu tăng của cả năm, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai), từ nay đến cuối năm 2024, cần xem các chính sách đã đi vào cuộc sống hay chưa, đặc biệt là các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư của thành phố. Môi trường đầu tư kinh doanh vừa qua của Hà Nội có nhiều ảnh hưởng do biến động của thế giới. Bối cảnh này cần tiếp tục đẩy mạnh hội nghị xúc tiến đầu tư, tạo sức hút cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố.
Trước hiện trạng đầu tư công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, đại biểu Trần Đức Hoạt (Tổ Hoàng Mai) cho rằng, cần chủ động kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm”. Cùng với đó, đại biểu mong muốn tăng cường giải quyết các kiến nghị cử tri hơn nữa.
Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động xây dựng Luật, Luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Với các quy định phân cấp, phân quyền "mạnh", đây là cơ sở pháp lý để cho Hà Nội thực hiện thuận lợi các nhiệm vụ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (Tổ Mỹ Đức) nêu, dù Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, nhưng ngay bây giờ, thành phố cần có đề án tổng thể, tranh thủ nguồn lực về cơ chế, chính sách để khi có hiệu lực, các chính sách ngay lập tức đi vào cuộc sống.
Khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho Thủ đô phát triển, nhưng đại biểu Nguyễn Đình Hưng (Tổ Mê Linh) cũng cho rằng, bên cạnh cơ hội là thách thức lớn. Theo đại biểu, công tác truyền thông về Luật cần thực hiện mạnh mẽ hơn để người dân Thủ đô hiểu và ủng hộ các cấp chính quyền trong triển khai thi hành Luật sau này.
Tìm giải pháp khả thi phát triển đường sắt đô thị
Thống nhất cao với sự cần thiết của Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, theo đại biểu Nguyễn Thanh Nam (Tổ Phú Xuyên), vấn đề mấu chốt là công nghệ và nguồn vốn. Đại biểu đề xuất, công nghệ trên thế giới triển khai khác nhau, vì thế, Hà Nội nên chọn tổng thể đơn vị thực hiện xuyên suốt, trong đó quan tâm về thông số chính tối ưu cho chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì trong tương lai. Đây cũng chính là yếu tố sống còn của dự án.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND thành phố (Tổ Hoàn Kiếm) cho rằng, với 14 tuyến thì Hà Nội cần phát huy thứ tự ưu tiên, phương án lựa chọn công nghệ, nguồn lực..? Nhiều ý kiến gợi mở, huy động nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp. Do đó, Chủ tịch HĐND thành phố mong các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để có giải pháp tối ưu.
Góp ý vào nội dung Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đại biểu Nguyễn Vũ Bích Hiền (Tổ Sóc Sơn) đồng tình cao với những giải pháp được nêu ra bởi đây là những vấn đề cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Theo đại biểu, giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ vẫn là tuyên tuyền, giáo dục cho người dân về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công tác tuyên truyền cần quan tâm thực hiện nhiều hơn nữa trong nhà trường tại các cấp học, từ mầm non trở lên.
Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Tổ Cầu Giấy) cho rằng, về hành lang pháp lý của phòng cháy, chữa cháy, trước đây quy định “thừa thì vẫn thừa nhưng thiếu thì vẫn thiếu”. Các quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy liên quan đến nhiều bộ, ngành nên thực tế các địa phương áp dụng pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chỉ mang tính thời sự, tức thời, chưa có sự đồng bộ, liên thông.
Đại biểu cho rằng, công tác cấp phép dự án, giấy phép xây dựng, thanh tra, giám sát, kiểm tra vẫn còn tồn tại cơ chế “xin - cho”, qua nhiều thời kỳ; khi xảy ra sự việc thì mới lật lại từ đầu. Đại biểu cũng nêu, việc xử lý, điều tra tổng thể như “con rết”, từ giai đoạn đầu xây dựng đến các giai đoạn tiếp theo, đến tận bây giờ.
Để bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy, việc ban hành đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết. Đại biểu khuyến nghị, cần theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ người dân một phần để khắc phục tổng thể các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu cũng kỳ vọng, quy định đặc thù của Luật Thủ đô cũng như quy hoạch Thủ đô sẽ tạo hành lang, lộ trình xử lý những tồn tại về phòng cháy, chữa cháy hiện nay.