Nghiên cứu mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế, giúp ngăn ngừa bệnh từ sớm, từ xa
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra tại lễ mít tinh kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7/2009 - 1/7/2024) do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 1-7, tại Hà Nội.
Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 1-7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam. Năm 2009 cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Thời điểm đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 58%. Đến nay, sau 15 năm, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng lên 93,35%.
Ước tính trong 6 tháng năm 2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú, tăng hơn 6,5 triệu lượt (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và sự thay đổi về mô hình bệnh tật, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, bảo hiểm y tế được xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có các quyền lợi giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa.
Cùng với đó, duy trì và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95% dân số.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho rằng, ngành Y tế sẽ tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lãng phí. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả công tác giám định bảo hiểm y tế, bảo đảm kiểm soát tốt việc chi tiêu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tham gia và cho cơ sở khám chữa bệnh.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, việc thiết kế chính sách và thanh toán bảo hiểm y tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xác định các dịch vụ được cung cấp ở mỗi cấp độ của hệ thống y tế. Trong tương lai, Việt Nam cần phải cân nhắc việc thiết kế những dịch vụ nào được quỹ bảo hiểm y tế chi trả và cách thức khuyến khích phù hợp để các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nhất.