Đời sống

Những “bông hoa” dân vận khéo

Dương Anh 01/07/2024 14:20

Đến 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (huyện Thạch Thất), dễ thấy ven các tuyến đường là những vạt hoa, những hàng cây xanh tỏa bóng mát.

Trong khu dân cư, thấp thoáng bóng những cô gái Mường mặc trang phục dân tộc cùng nhau đi tập hát, múa chiêng. Môi trường sạch đẹp, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao..., đó là kết quả thiết thực từ các phong trào, cuộc vận động mà phụ nữ ở miền núi huyện Thạch Thất đã và đang thực hiện.

21.jpg
Các hoạt động sôi nổi trong “Ngày hội bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.

Vì môi trường sạch đẹp

Những năm gần đây, 3 xã miền núi huyện Thạch Thất đã triển khai các phong trào, cuộc vận động: “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Để đạt hiệu quả cao, các cán bộ, hội viên phụ nữ đã có nhiều mô hình, sáng kiến thiết thực. Chị em tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo trong vận động nhân dân thực hiện các mô hình.

Xã Yên Bình có người dân tộc Kinh, Mường cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 40%. Những năm qua, trong các lĩnh vực đời sống đều có sự tham gia tích cực của Hội Phụ nữ xã, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Bình Bùi Thị Kim cho biết: Vấn đề gây bức xúc nhất là để rác không đúng nơi quy định, túi ni lon, vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi, nhiều hộ gia đình chưa thực hiện phân loại rác thải tại nguồn…, làm ảnh hưởng đến môi trường.

Trước thực tế đó, chị Bùi Thị Kim đã đưa ra mô hình “Dân vận khéo” với nội dung “Phụ nữ Yên Bình tích cực tham gia bảo vệ môi trường, vệ sinh sạch đường làng, sạch đồng ruộng, nhân rộng tuyến đường nở hoa, vận động nhân dân mua thùng đựng rác tự phân loại rác thải tại hộ gia đình”.

Thực hiện mô hình, các cán bộ, hội viên phụ nữ xã Yên Bình phối hợp với cán bộ thôn, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mua thùng đựng rác và tự phân loại rác thải tại nhà, xã hội hóa việc mua thùng đựng rác. Nhờ đó, nhiều tập thể, cá nhân đã ủng hộ tiền và ngày công lao động, dần dần làm nên những tuyến đường nở hoa, các hộ gia đình đã có thùng đựng rác...

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Văn Tùng ghi nhận: Hội Phụ nữ xã đã trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện bảo vệ môi trường và cũng nhận được sự phối hợp, tham gia của các hội, đoàn thể, nhân dân. Nhờ đó, các mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”... ở xã Yên Bình phát huy hiệu quả. 6/6 chi hội thôn và 22/22 tổ hội tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia dọn dẹp cỏ dại ven đường, làm nên những đường hoa sạch, đẹp; thành lập 3 mô hình phân loại rác thải tại nhà, mua tổng số 308 thùng đựng rác, tặng 50 làn nhựa đi chợ cho chị em, tổng trị giá 121,62 triệu đồng. Các chi hội thôn 1, 2 và 5 ủng hộ hơn 300 ngày công lao động để trồng 3 đoạn đường hoa với 152 cây hoàng yến (chuông vàng), 61 cây hoa ban Tây Bắc, tổng chiều dài hơn 800m, trị giá 45,5 triệu đồng; vẽ 3 đoạn tranh tường dài 78m...

“Phụ nữ xã Yên Bình đã và đang góp phần tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa rộng, đồng thời hình thành nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Bình Bùi Thị Kim khẳng định.

Tương tự, tại xã Yên Trung - nơi có 78,8% dân số là người dân tộc Mường, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, hoạt động bảo vệ môi trường đã đạt được kết quả đáng khích lệ: Xã có 6 tuyến đường hoa, cây xanh với tổng chiều dài 1.650m. Việc tang văn minh tiến bộ được đông đảo nhân dân đồng tình thực hiện, số ca hỏa táng đạt tỷ lệ 88,23% trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 đạt 100%. Đoàn Thanh niên xã thành lập và duy trì hoạt động 3 câu lạc bộ bóng đá, chiêng Mường và thanh niên tình nguyện.

Ngoài ra, Đoàn xã Yên Trung còn triển khai sâu rộng các phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Tôi yêu Tổ quốc”, “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội”... góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và các nhiệm vụ chính trị, xã hội khác.

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Không chỉ tích cực bảo vệ môi trường, các hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số ở Thạch Thất còn tham gia vào việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường. Tại xã Tiến Xuân, nơi có 68,6% dân số là người dân tộc Mường, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, trong đó Hội Phụ nữ xã đóng vai trò quan trọng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân Bùi Thị Ngọc cho hay: Năm 2022, tôi đã đưa ra sáng kiến "Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn xã Tiến Xuân”. Xã hiện có 7 câu lạc bộ chiêng ở 7 thôn dân cư với 300 hội viên, mỗi thôn có từ 2 đến 4 bộ chiêng Mường. Thông qua công tác tuyên truyền của các hội viên phụ nữ, nhân dân trong xã hiểu hơn về chiêng - nhạc cụ tham gia vào hầu hết các hoạt động trong đời sống của người dân tộc Mường.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiến Xuân Bùi Thị Ngọc còn tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ trong xã may trang phục dân tộc. Đến nay, gần 100% cán bộ, hội viên phụ nữ xã Tiến Xuân có trang phục dân tộc Mường với nét độc đáo riêng: Áo may bó sát thân, mặc vừa chớm eo để khoe vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ. Váy ống, gồm thân và cạp váy. Cạp váy với nhiều họa tiết, hoa văn trang trí phong phú, là biểu tượng, điểm nhấn thể hiện sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ của người thêu dệt. Phần kết hợp không thể thiếu với bộ váy, áo, là khăn trắng đội đầu, vòng bạc đeo cổ, đeo tay và bộ xà tích bạc.

Cũng thông qua thực hiện mô hình dân vận khéo, từ năm 2023 đến nay, xã Tiến Xuân đã khôi phục, tổ chức “Ngày hội văn hóa dân tộc Mường” với các nội dung: Thi các môn thể thao như ném còn, bắn nỏ, kéo co; trình diễn trang phục nữ dân tộc Mường; giao lưu văn nghệ, đồng diễn chiêng Mường; thi nấu ăn. Ngày hội diễn ra vào các ngày 17 - 18 tháng Giêng hằng năm và đã được đưa vào Nghị quyết của Hội nghị đại biểu Nhân dân xã năm 2023. Tại ngày hội, hàng chục món ăn lạ, đặc sắc của dân tộc Mường được tái hiện, cuốn hút những người đến tham dự lễ hội. Có những món ăn nhiều người chưa bao giờ được biết đến, như rau rừng đồ, măng chua nấu thịt gà hạt dổi, chả trứng kiến rừng, bánh uôi...

Đáng chú ý, mô hình dân vận khéo “Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn xã Tiến Xuân” đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân. Mô hình còn được Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đưa vào cuốn sách "Dân vận khéo trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh".

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, các chế độ chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn huyện luôn được quan tâm. Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện coi trọng. Nhân dân các dân tộc sinh sống đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đồng bào 3 xã dân tộc miền núi Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nhiệt tình tham gia các phong trào ở địa phương. Cùng với đó, các hoạt động bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã và đang góp phần tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.