Thay đổi hành vi của cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Thực hiện công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng tổ chức các hoạt động tập huấn, phổ biến quán triệt, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác trẻ em. Qua đó đã làm thay đổi hành vi của cộng đồng theo hướng tích cực trong quá trình tham gia, thực hiện công tác trẻ em.
Trang bị kiến thức bảo vệ trẻ em
Liên tiếp các ngày từ 17-6 đến 20-6-2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất tổ chức 4 hội nghị trang bị kiến thức làm cha mẹ, kiến thức bảo vệ trẻ em tại các xã Phùng Xá, Tân Xã, Chàng Sơn, Hương Ngải.
Qua các hội nghị này, 400 đại biểu là cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hội viên phụ nữ của 4 xã được truyền đạt, trao đổi các nội dung, kiến thức về tâm sinh lý của trẻ, đặc điểm, nhu cầu, sự phát triển của trẻ qua các thời kỳ, cách tác động phù hợp để tạo cơ hội cho trẻ phát triển. Đồng thời, các chuyên gia cũng hướng dẫn cha, mẹ quan tâm đúng cách, để trẻ cảm thấy được yêu thương, an toàn, giúp trẻ phát triển toàn diện.
“Hội nghị thực sự đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích dành cho những bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ em, góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết của người dân trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Cấn Đình Tiến chia sẻ.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 59 lớp tập huấn cho 7.024 lượt người là cán bộ cấp huyện, cấp xã và cộng tác viên làm công tác trẻ em. Điển hình như huyện Phúc Thọ tổ chức 7 cuộc tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, xâm hại trẻ em tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Thị xã Sơn Tây tổ chức các chương trình tập huấn, truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước; phòng, chống xâm hại trẻ em cho hơn 6.300 học sinh. Huyện Hoài Đức tổ chức 1 lớp tập huấn cho 357 cộng tác viên làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em và 7 lớp với hơn 1.400 cộng tác viên thuộc các hội đoàn thể về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em...
Cùng với các lớp tập huấn, nhiều hoạt động truyền thông cũng được tổ chức. Trong 6 tháng đầu năm, 94 lớp tập huấn, truyền thông về quyền trẻ em với sự tham gia của 64.658 lượt trẻ em đã được tổ chức trên địa bàn Thủ đô.
Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Kiều Thị Hương thông tin, trong các tháng cuối năm, sẽ có thêm nhiều hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được trung tâm phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tại các quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Bà Kiều Thị Hương đánh giá, hoạt động truyền thông, tập huấn đã góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Hà Nội luôn thực hiện đồng bộ trên cả cấp độ phòng ngừa, cấp độ hỗ trợ và cấp độ can thiệp. Cùng với việc tập huấn, truyền thông phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, công tác huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ em, can thiệp kịp thời khi có các vụ việc xảy ra cũng được chú trọng. Theo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm, riêng Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã vận động được 144 đơn vị tài trợ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố với số tiền 6,018 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 2.678 trẻ em với kinh phí 5,36 tỷ đồng. Về hoạt động can thiệp, 6 tháng đầu năm 2024, thông qua nhiều kênh khác nhau, Sở đã tiếp nhận 37 thông tin vi phạm quyền trẻ em. Qua báo cáo xác minh, 29 thông tin đúng như phản ánh liên quan đến xâm hại tình dục, bỏ rơi, bạo lực... Các vụ việc đều được can thiệp, trợ giúp theo quy định.
Thành phố Hà Nội hiện có hơn 1,9 triệu trẻ em, trong đó có hơn 13,4 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gần 23 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo giải quyết kịp thời vụ việc vi phạm quyền trẻ em, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ trẻ em hiệu quả trong các vụ việc, yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Tất cả nhằm chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại và gây tổn hại cho trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, bình đẳng, thân thiện, lành mạnh, tạo điều kiện để bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền trẻ em.