Loại trừ tư tưởng cục bộ, địa phương
Thực hiện công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nói riêng đều rất hệ trọng. Do vậy, quá trình này cần thực hiện thận trọng, đúng quy định và đặc biệt phải cảnh giác với những vấn đề nảy sinh trong thực tế, trong đó có tư tưởng cục bộ, địa phương. Việc này đòi hỏi các cấp ủy thường xuyên quan tâm, kịp thời phát hiện để loại trừ từ sớm, từ xa.
1. Chỉ đạo về công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV lưu ý, phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu; chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"...
Trước đó, trong các phát biểu chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhắc nhở về “căn bệnh” cục bộ, địa phương để các cấp ủy quan tâm, lưu ý. Các văn bản của Trung ương, Bộ Chính trị cũng thường đề cập vấn đề này, coi cán bộ có tư tưởng cục bộ, địa phương là một trong những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cần được lên án, loại trừ.
Mục 1, Điều 4 Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới cũng nêu rõ: “Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm”.
Trong tổng kết về công tác bầu cử gần đây, không ít cấp ủy cấp tỉnh đã chỉ rõ: Công tác bầu cử, công tác nhân sự ở một số nơi có biểu hiện cục bộ, địa phương, bè phái như không thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về công tác nhân sự đại hội, không bầu cho cán bộ luân chuyển... Thực tế, không thiếu những biểu hiện của tư tưởng cục bộ, địa phương; “căn bệnh” này có thể xuất hiện, tác động ở tất cả các khâu, các bước của công tác cán bộ. Tính chất nguy hiểm của tư tưởng cục bộ, địa phương là làm mất đi tính công tâm, khách quan vốn là yếu tố cốt lõi để đánh giá đúng, lựa chọn đúng, sắp xếp đúng cán bộ. Một khi đã sai ngay từ đầu thì hệ lụy của công tác cán bộ là vô cùng to lớn.
Tư tưởng cục bộ, địa phương nguy hiểm ở chỗ gây mất đoàn kết. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, căn bệnh "kéo bè kéo cánh" rất nguy hiểm, rất tai hại cho Đảng, vì “nó làm hại đến sự thống nhất... Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”. Trên thực tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương có chuyện lục đục, nội bộ chia rẽ sẽ thôi thúc các thành viên co cụm lại để bảo vệ nhau. Và khi xuất hiện những biểu hiện cục bộ, địa phương của nhóm này thì những người khác nhìn vào tự khắc lại phải tìm cho mình những đội, nhóm riêng nhằm tự vệ; mất đoàn kết càng thêm nặng, chia rẽ lại càng chia rẽ. Cho nên, tư tưởng cục bộ, địa phương còn là cái vòng luẩn quẩn mất đoàn kết rất đáng lo ngại.
Khi tư tưởng cục bộ, địa phương đã len lỏi, xâm chiếm một cơ quan, đơn vị thì sự chuyên chú vào công tác, lao động sản xuất sẽ đi xuống, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, năng suất lao động, chất lượng công việc. Con người chỉ chăm chăm lo thủ thế, hễ gặp nhau là bàn mưu tính kế đối phó người này, hạ bệ người kia thì còn đâu tâm trí lo cho công việc. Nguy hại hơn, khi quần chúng, nhân dân nhìn vào tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị có biểu hiện cục bộ, địa phương, họ sẽ coi thường, mất đi lòng tin. Năng lực, uy tín lãnh đạo của cấp ủy tổ chức Đảng cũng vì thế mà sa sút, nếu không sớm khắc phục thậm chí có thể suy yếu mất kiểm soát. Vì vậy, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị nhất định phải quan tâm, tìm cách loại trừ tư tưởng cục bộ, địa phương.
2. Để loại trừ tư tưởng cục bộ, địa phương thì nhất định người đứng đầu và cấp ủy phải nêu gương trong mọi lời nói, việc làm nói chung và đối với công tác tổ chức cán bộ nói riêng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch. Khi phát hiện dư luận có sự nghi ngờ về sự công tâm, khách quan, còn cục bộ, địa phương trong công tác cán bộ, nhất thiết phải tổ chức gặp gỡ, đối thoại, thậm chí ra văn bản thông báo để minh bạch hóa.
Bên cạnh đó, khi phát hiện cán bộ, đảng viên trong tổ chức mình có biểu hiện cục bộ, địa phương nhất quyết không được thờ ơ, coi thường, bởi việc xấu, tư tưởng xấu như vết dầu loang, không lau sạch sẽ thành “mồi lửa” gây mất đoàn kết.
Để loại trừ tư tưởng cục bộ, địa phương trong công tác cán bộ chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, "then chốt" của "then chốt", có ý nghĩa sống còn đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác này phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của bản thân, toàn tâm, toàn ý lo công việc chung và phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý, công tác nhân sự đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn. Khi lựa chọn, phải lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm “thước đo” chủ yếu. Trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, sẽ tạo ra một tập thể thật sự "ăn ý", đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh.
Bằng mọi biện pháp dứt khoát không sử dụng những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Trên hết, công tác cán bộ phải làm thận trọng, làm dứt điểm từng khâu, từng công đoạn, theo một quy trình chặt chẽ; làm đến đâu chắc đến đó.
Có thể nói, một khi có sự quan tâm sát sao, đoàn kết một lòng, gương mẫu hành động, sao cho xứng đáng là đạo đức, là văn minh, thì cấp ủy tổ chức Đảng, người đứng đầu nhất định có thể loại trừ được tư tưởng cục bộ, địa phương trong mọi nhiệm vụ công tác, bao gồm có công tác cán bộ.