Lễ hội Sen Hà Nội 2024: Gìn giữ nét văn hóa Việt qua tấm thiệp mời
Với những tấm thiệp mời độc đáo và sáng tạo, được in trên giấy dó, đựng trong những ống tre có khắc tên từng vị khách đặc biệt và mã QR cung cấp thông tin Lễ hội Sen Hà Nội, Ban tổ chức gửi gắm thông điệp gìn giữ nét Việt, lan tỏa giá trị văn hóa nghề truyền thống.
Lan tỏa tinh hoa nghề Việt
Không chỉ đơn giản là một tấm giấy mời bình thường, thiệp mời của Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được thiết kế mang hơi hướng hiện đại, có mã QR, nhưng được kết hợp tranh sơn mài vẽ sen mang ý nghĩa sâu sắc về Ngũ Phúc Lâm Môn (ngũ phúc: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh), in trên nền giấy dó mang đậm dấu ấn nghề làm giấy truyền thống vùng Kẻ Bưởi.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Đức Hiếu, thành viên sáng lập của Tổ chức Việt Nam ơi - Tinh hoa nghề Việt chia sẻ về ý tưởng độc đáo và sáng tạo này: “Chúng tôi mong muốn gửi gắm qua từng tấm thiệp những giá trị mộc mạc, giản dị và thuần Việt nhất. Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không bị giòn mà mềm mỏng như lụa, ít bị mối mọt, không bị thấm nước và có thể lưu giữ trong vài trăm năm. Người dùng có thể vò nát tờ giấy, nhưng khi vuốt ra, lại phẳng như trước.
Việc sử dụng giấy dó in Giấy mời Lễ hội Sen Hà Nội nhằm nhắc nhớ về nghề làm giấy truyền thống của vùng Kẻ Bưởi xưa, qua đó góp phần khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc trong cộng đồng, đưa các sản phẩm làm từ giấy dó trở nên phổ biến và gần gũi hơn trong cuộc sống”.
Đáng chú ý, những tấm thiệp độc đáo và sáng tạo này được đựng trong những ống tre - sản phẩm của làng nghề mây tre Phú Vinh, (Chương Mỹ, Hà Nội), tạo nên sự kết hợp tinh tế từ những “mảnh ghép” mang đậm nét Việt, thực sự mang ý nghĩa vinh danh tinh hoa nghề Việt.
“Không đơn giản là một tấm giấy mời, chúng tôi muốn gửi tặng các vị khách một món quà chào ý nghĩa, cũng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa và giá trị tinh thần, khẳng định tâm huyết, tình cảm chân thành và sự trân trọng tới các vị khách quý đến với Lễ hội Sen Hà Nội” - ông Đào Đức Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Đào Đức Hiếu, dự kiến sẽ có 600 sản phẩm thiệp mời độc đáo này được gửi đến các vị khách. Hiện nay, toàn bộ công đoạn làm giấy dó đã hoàn thành. Ban Tổ chức đang gấp rút triển khai các công đoạn tiếp theo, như khắc tên từng người lên ống tre, in thiệp lên giấy dó, viết tay tên từng vị khách quý lên thiệp, đưa vào phong thư, lồng logo Lễ hội Sen Hà Nội vào dây đay để gửi đến khách mời…
Đa dạng hóa các sản phẩm, vinh danh nghề làm giấy truyền thống vùng Kẻ Bưởi
Ý tưởng làm ra những tấm thiệp mời in trên giấy dó truyền thống mang rất nhiều giá trị, bởi một trong các mục tiêu của Ban Tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội 2024, là quảng bá và kích cầu du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương, xây dựng các sản phẩm đặc thù, thu hút khách đến tham quan Hà Nội nói chung và Tây Hồ nói riêng, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Đồng thời, quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa, du lịch, khai thác sự độc đáo, hấp dẫn, tôn vinh những giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ.
Sản phẩm những tấm thiệp mời in trên giấy dó được thực hiện trong bối cảnh Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa (tại địa chỉ số 189 phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) mới được khai trương, đi vào hoạt động ngày 13-5-2024). Đã có những vị khách sau khi biết ý tưởng làm thiệp mời in trên giấy dó đã chủ động tìm đến Không gian trưng bày các sản phẩm làm từ giấy dó phường Bưởi để tìm hiểu kỹ hơn về nghề làm giấy truyền thống, mua những sản phẩm được làm từ giấy dó.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, anh Nguyễn Lâm Hùng, nhân viên Không gian trưng bày các sản phẩm làm từ giấy dó phường Bưởi chia sẻ: “Có nhiều khách hàng, du khách là người nghiên cứu về giấy dó, cũng như các hoạ sĩ yêu thích sử dụng giấy dó để sáng tạo đã đến với chúng tôi. Tại không gian này, du khách, các nhà nghiên cứu được giới thiệu về nghề truyền thống vùng Kẻ Bưởi, được tham quan hệ thống sản phẩm làm từ giấy dó, trong đó có những loại giấy không thấm nước, những cuộn giấy làm thủ công có độ bền hàng trăm năm ở không gian bảo tàng. Có những đoàn khách còn được trải nghiệm các khâu làm giấy dó, từ xeo giấy, ép giấy, cho đến phơi, in khắc trên giấy…”.
Còn chị Vũ Thị Huyền, một nhân viên của không gian trưng bày, vui vẻ giới thiệu: “Sản phẩm của chúng tôi rất đa dạng, có cả khuyên tai làm từ giấy dó, tranh in trên giấy dó giới thiệu về các điểm du lịch nổi tiếng của đất nước, tranh Đông Hồ, tranh chữ, giấy dó bán theo sét, các cuốn lịch, quạt, các cuốn sổ, bưu thiếp, giấy đánh dấu trang làm từ gió…”.
Bàn về những tấm thiệp mời dự Lễ hội Sen Hà Nội in trên giấy dó truyền thống, bà Trần Hồng Nhung, một thành viên sáng lập, Giám đốc của dự án phục dựng, tổ chức Không gian trưng bày các sản phẩm làm từ giấy dó nhận xét: “Chính những ý tưởng độc đáo và sáng tạo như vậy sẽ càng góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, vinh danh nghề làm giấy truyền thống vùng Kẻ Bưởi nói riêng, tinh hoa nghề Việt nói chung. Hiện nay, chúng tôi cũng đang chủ động nghiên cứu tạo thêm nhiều sản phẩm mới vừa mang đậm giá trị truyền thống, vừa bảo đảm tính hiện đại và hội nhập. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là xây dựng không gian này thành một điểm dịch vụ, du lịch văn hóa, nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị của nghề làm giấy dó truyền thống, mà còn là địa chỉ tin cậy, quen thuộc đối với người dân Thủ đô và các tỉnh thành trong cả nước, bạn bè quốc tế khi về tham quan, du lịch trên địa bàn quận Tây Hồ”.
Lễ hội Sen Tây Hồ được tổ chức trong 5 ngày, từ 12 đến 16-7, tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội).
Lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 20h ngày 12-7, với các phần nghi thức khai mạc; vinh danh các đơn vị phối hợp, nhà tài trợ, đại sứ tham gia lễ hội; trao giải cuộc thi ảnh “Người đẹp, áo dài và Sen”, điểm nhấn là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen”.
Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, với 100 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền; khu tiểu cảnh trang trí; khu ẩm thực vùng miền; đặc biệt là khu trưng bày, giới thiệu đặc sản về sen; khu trải nghiệm về sản phẩm sen (tranh, ảnh, sơn mài, vải, thơ ca từ xưa đến nay); không gian giới thiệu trình diễn sản phẩm hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen, các món ăn từ sen, sản phẩm trang trí từ sen, thủ công mỹ nghệ về sen; trưng bày đại diện một số giống sen thuộc các vùng trong cả nước và một số giống sen quý của Việt Nam và Hà Nội...
Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động phong phú: Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; lễ khánh thành Trung tâm Giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh; triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt; chương trình khảo sát - hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024”; đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”; Ngày hội đạp xe Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” với sự tham gia của 7.000 người đạp xe quanh Hồ Tây...
Ngoài ra, có nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội như chương trình “Sen kết nối yêu thương” thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách trên địa bàn quận; cuộc thi ảnh “Người đẹp, áo dài và Sen”…