Bài tham dự cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào": Những đổi thay trên mảnh đất huyền thoại
Tôi được sinh ra và lớn lên tại một con phố nhỏ thuộc khu phố (nay là quận) Hai Bà Trưng. Ngày Thủ đô giải phóng tôi là một đứa bé còn ẵm ngửa. Khi học cấp I trường Tây Sơn ở phố Trần Nhân Tông, trong các buổi sinh hoạt lớp, chúng tôi đã cùng nhau hát vang “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”.
Thấm thoắt đã 70 năm trôi qua, nhưng ký ức tuổi thơ vẫn ghi đậm trong tôi, chẳng thể nào phai.
Ký ức không phai mờ
Ngay từ hồi nhỏ, tôi đã cảm thấy tự hào vì được sống trên mảnh đất mang tên hai vị nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Cô giáo thường dẫn chúng tôi đến tham quan đền Đồng Nhân, ngôi đền thiêng thờ bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, sau này được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Nhà tôi ở đầu phố Tô Hiến Thành cắt đường Bà Triệu. Mùa hè, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau xếp gạch làm gôn, chia bên đá bóng ở cuối phố Huyền Trân Công Chúa (sau đổi là phố Bùi Thị Xuân) sát với Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo.
Ông nội tôi kể rằng, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo hồi kháng chiến đã sản xuất vũ khí, máy khoan, máy tiện cho quân giới, sản xuất máy in phục vụ in giấy bạc, in ấn tài liệu tuyên truyền, sản xuất dụng cụ lao động, động cơ phục vụ nông nghiệp và cung cấp phụ tùng cho ô tô vận tải vào chiến trường.
Ở trường Tây Sơn, tôi còn nhớ thầy Quyền, thầy Phúc, cô Liên… vào đầu giờ học nào cũng cho cả lớp hát đồng ca, vang vọng khắp các tầng: “Kìa nắng sớm mai chiếu soi ngàn muôn tia sáng/ Chúng em vây quanh cô giáo trong giờ chơi...”, “Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường..,”, “Từ hôm nay được mang chiếc khăn thắm màu cờ nước”…
Tôi nhớ mãi buổi sáng mùng một Tết Tân Sửu 1961, từ trong nhà, tôi bỗng nghe tiếng hò reo vang dậy ngoài phố: “Bác Hồ! Bác Hồ!...”. Tôi vội chạy ra đầu phố Bà Triệu, đã thấy hai bên đường mọi người đứng đông chật, tay cầm cờ hoa rực rỡ. Lát sau, trên chiếc xe mui trần, Bác Hồ tươi cười thân mật giơ tay vẫy chào nhân dân hai bên đường. Người đến thăm, chúc Tết công nhân các nhà máy đóng trên địa bàn khu Hai Bà Trưng như Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân, Rượu Hà Nội. Xe Bác đã đi qua nhưng mọi người vẫn nán lại đứng chờ để đón lúc Bác về.
Hình ảnh ấy đến nay vẫn sống động trong tâm trí tôi như mới diễn ra ngày hôm qua vậy.
Rồi Hà Nội bước vào những ngày “sục sôi đánh Mỹ”. Báo chí liên tục đưa tin Hà Nội bắn rơi máy bay Mỹ. Tự vệ, công nhân các nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Xay Lương Yên, Nhà máy Kẹo Hải Châu... đan lưới lửa phía Nam thành phố và đã lập chiến công bắn rơi 1 máy bay phản lực (10-12-1967) và 1 máy bay không người lái (13-3-1968).
Ông nội tôi bảo: Vải “8-3” vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ quốc phòng (may quân phục, võng cho bộ đội). Đặc biệt, nhà máy còn sản xuất dây thừng, dây chão cho “đoàn tàu không số” kịp thời chi viện cho miền Nam. Anh rể cùng hai anh trai tôi lên đường tòng quân, vào chiến trường B chiến đấu. Bố tôi và anh lớn ở lại bám trụ công tác và bảo vệ Thủ đô. Mẹ cùng ba anh em tôi lục tục đi sơ tán về quê Hà Tây (cũ). Mấy năm sau, tôi cũng xung phong nhập ngũ dù đang học cấp 3.
Đổi thay, phát triển không ngừng
Đất nước thống nhất, tôi phục viên và được đi tu nghiệp ở nơi xa. Anh rể tôi đã hy sinh ở chiến trường B. Các anh tôi đều phục viên, chuyển ngành về cơ quan cũ hoặc học tiếp đại học. Lúc tôi trở về, khu phố Hai Bà Trưng xưa giờ đã thành quận và có nhiều đổi thay khiến tôi ngỡ ngàng, có nơi tôi không nhận ra hình hài xưa cũ nữa.
Bến xe Kim Liên, năm 1993 chuyển về khu vực Giáp Bát, thay vào đó là một khách sạn khang trang liên doanh với nước ngoài. Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo cũng đã chuyển ra khỏi thành phố, nhường chỗ cho Trung tâm Thương mại Vincom và khu chung cư cao cấp. Nhà máy Dệt 8-3 cũng chuyển về địa phương khác, nhường chỗ cho khu đô thị cao cấp Times City với hàng chục khối nhà cao tầng hiện đại cùng cảnh quan cây xanh, trường học, siêu thị, bệnh viện chất lượng cao. Trên các tuyến phố Lê Đại Hành, Minh Khai, Lương Yên… đã mọc lên những tòa nhà hoành tráng, cao ngất trời, cung cấp văn phòng làm việc và căn hộ phục vụ nhu cầu dân sinh.
Quận Hai Bà Trưng là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa. Trong chiến tranh và trong hòa bình, nhân dân trong quận đã phát huy tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất, hăng hái tham gia đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước và đẩy mạnh lao động sản xuất góp phần xây dựng Thủ đô.
Trong công cuộc đổi mới, hội nhập, quận Hai Bà Trưng đã phát huy tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Kỷ cương - Trí tuệ - Đổi mới”, đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng.
Qua 63 năm xây dựng và phát triển (1961-2024), quận Hai Bà Trưng đã đạt được những thành tựu nổi bật. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp. Nhiều năm nay, quận Hai Bà Trưng luôn đứng đầu về số thu ngân sách trong 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Quận đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Vào một buổi tối cuối tháng 5-2024, tại Công viên Thống Nhất và phố đi bộ Trần Nhân Tông đã diễn ra chương trình nghệ thuật kỷ niệm 63 năm thành lập quận Hai Bà Trưng (1961-2024), đồng thời ra mắt trang “360 độ di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”. Đây là trang thông tin điện tử giới thiệu và tìm hiểu toàn bộ 51/51 di tích trên địa bàn quận, cho người dùng trải nghiệm “Không gian tham quan ảo 360 độ” các di tích cùng với âm thanh, những hình ảnh 3D sinh động của các hiện vật lịch sử, tích hợp bản đồ số, thuyết minh tự động, tra cứu thông tin bằng mã QR, cung cấp thông tin chi tiết về vị trí và đối tượng của từng di tích, tạo điều kiện cho du khách dễ dàng tìm kiếm và di chuyển đến các điểm du lịch theo nhu cầu…
Với riêng tôi, cái âm thanh đặc biệt không thể nào quên là tiếng ve râm ran trên những con phố trải đầy hoa nắng. Nó theo tôi suốt từ những ngày thơ bé còn rủ nhau đá bóng góc phố, cho đến những ngày tôi được đơn vị bộ đội cho về phép, từ bến xe Kim Liên năm xưa, tôi tung tẩy rảo bước đi tắt qua công viên về nhà. Và, nay tôi đã bước sang tuổi 70, nhưng tiếng ve rỉ rả năm xưa vẫn thi thoảng ong ong vang lên trong đầu, gợi bao kỷ niệm đẹp thời thơ ấu trên mảnh đất huyền thoại, không ngừng đổi thay và phát triển.