Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung: Đổi mới y tế cơ sở, củng cố niềm tin nơi người bệnh
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, cũng như mức độ hài lòng của họ đối với các phòng khám đa khoa và trạm y tế của 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều tăng lên.
Có được kết quả này là nhờ Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ đổi mới y tế cơ sở, củng cố niềm tin nơi người bệnh. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung xung quanh vấn đề này.
Không để tuyến trên quá tải, tuyến dưới bỏ không
- Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô?
- Y tế cơ sở được xem là một trong 2 “mũi giáp công”, vừa chống dịch bệnh, vừa là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Qua đại dịch Covid-19 càng thấy rõ y tế cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng như thế nào. Ngoài ra, nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn Thủ đô cơ bản được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như: Tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám, chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe...
Theo một nghiên cứu tại Việt Nam, khoảng 30% trường hợp nhập viện nội trú có thể dự phòng được thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, có 10 nhóm bệnh nhập viện cao nhất, như: Tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Nếu những nhóm bệnh này được kiểm soát tốt ngay tại y tế cơ sở thì sẽ giảm được khoảng 80% các ca nhập viện.
- Thế nhưng, thực tế có một nghịch lý là nhiều người không “mặn mà” với y tế cơ sở. Họ sẵn sàng chi trả khoản chi phí cao hơn để được khám bệnh ở tuyến trên hoặc các phòng khám tư?
- Đúng là tuyến y tế cơ sở đã và đang phải đối mặt với không ít rào cản, khó khăn để thu hút bệnh nhân. Đầu tiên là vấn đề nhân lực tại các trung tâm y tế chưa đủ theo quy định, trong đó có nhân lực làm công tác dân số và khám, chữa bệnh. Ngay tại các phòng khám đa khoa, trạm y tế của một số trung tâm y tế còn thiếu bác sĩ. Thêm vào đó, công tác đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tại một số đơn vị triển khai chậm so với kế hoạch. Việc triển khai thực hiện bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã tại một số quận, huyện cũng bị chậm do chưa bảo đảm tiến độ xây dựng, cải tạo sửa chữa trạm y tế…
Chúng tôi đang nỗ lực khắc phục những khó khăn này, tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa của các trung tâm y tế với mục tiêu không để tuyến trên quá tải, tuyến dưới bỏ không. Với những giải pháp căn cơ được triển khai, kết quả 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở đã tăng hơn trước và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người bệnh.
- Ông có thể chia sẻ về những kết quả tích cực bước đầu mà tuyến y tế cơ sở đạt được trong những tháng đầu năm 2024?
- Hiện tại 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có 55 phòng khám đa khoa và có 485/579 trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm 83,7%). Tổng số lượt khám bệnh 6 tháng đầu năm 2024 tại các phòng khám đa khoa, trạm y tế là hơn 1,3 triệu lượt người (tăng gần 40.000 lượt người so với cùng kỳ năm 2023).
Đặc biệt, tuyến y tế cơ sở đã giúp người bệnh phát hiện sớm và quản lý, điều trị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, tuyến y tế cơ sở đã khám sàng lọc và phát hiện hơn 12 nghìn người bị tăng huyết áp, gần 4.500 người bị đái tháo đường; tư vấn điều trị dự phòng cho hơn 25 nghìn người có nguy cơ tim mạch… Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cũng bảo đảm cung ứng các loại thuốc thiết yếu cho công tác khám, chữa bệnh.
Kết quả khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh trong quý II-2024 được Sở Y tế Hà Nội triển khai cũng cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa và trạm y tế của 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đã tăng lên (đạt 95,76%).
Xếp hạng trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã
- Từ những kết quả đạt được, theo ông, trong thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục tập trung vào những giải pháp nào để “thay da, đổi thịt” hệ thống y tế cơ sở?
- Tuyến y tế cơ sở là nơi gần dân nhất và cũng là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, do đó cần phải được tăng cường đầu tư nâng cấp. Thành phố đã hỗ trợ các quận, huyện, thị xã đầu tư nâng cấp y tế cơ sở trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách thành phố tổng số 198 dự án; trong đó có 9 trung tâm y tế, 11 phòng khám đa khoa và 178 trạm y tế. Tính đến quý II-2024 có 106 dự án hoàn thành và 63 dự án đang triển khai.
Ngoài ra, còn 54 dự án nâng cấp y tế cơ sở từ ngân sách cấp huyện. Cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, vấn đề về nhân lực y tế được xem là một tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển của tuyến y tế cơ sở. Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã đề xuất thành phố có chính sách tuyển dụng, thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở.
Nhiệm vụ trọng tâm trong quý III-2024 của ngành Y tế thành phố là lãnh đạo, chỉ đạo trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát nhân lực khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời thẩm định bổ sung danh mục kỹ thuật chuyên môn đối với các trạm y tế, phòng khám đa khoa trực thuộc.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân (cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử).
Đặc biệt, triển khai xếp hạng trung tâm y tế quận, huyện, thị xã theo quy định của Bộ Y tế. Từ đó, tạo sự cạnh tranh giữa các quận, huyện, thị xã trong vấn đề nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đồng thời, hoàn thành việc chuyển giao 30 trung tâm y tế từ Sở Y tế thành phố về UBND quận, huyện, thị xã quản lý khi có quyết định của UBND thành phố Hà Nội.
- Việc chuyển giao trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã từ Sở Y tế về UBND quận, huyện, thị xã giúp gì cho y tế cơ sở phát huy được vai trò "người gác cổng" trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thưa ông?
- Khi có quyết định của UBND thành phố, chúng tôi sẽ chuyển giao nguyên trạng toàn bộ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhân lực; tài chính, đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hồ sơ, sổ sách… của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã về UBND quận, huyện, thị xã quản lý. Việc chuyển giao này để bảo đảm việc quản lý thống nhất, đồng bộ về nhân lực cũng như bộ máy, phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị cho sự phát triển của y tế cơ sở và y tế dự phòng.
Ngoài ra, việc chuyển giao các trung tâm y tế cho UBND quận, huyện, thị xã quản lý cũng có thể kỳ vọng, y tế cơ sở sẽ tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn. Khi đó, hệ thống y tế cơ sở sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu mô hình bệnh tật tại mỗi quận, huyện, thị xã để xây dựng kế hoạch can thiệp theo nguồn lực sẵn có và nguồn kinh phí phù hợp với từng địa phương.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội vẫn phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã về mặt chuyên môn trong chỉ đạo chung để bảo đảm đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như công tác dân số ngày một tốt hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!