Quốc hội “chốt” phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Sáng 29-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả cho thấy, có 355/487 đại biểu cho ý kiến. Trong đó, có 310/355 đại biểu Quốc hội (chiếm 87,32%) lựa chọn phương án 1; có 38/355 đại biểu Quốc hội (chiếm 10,70%) lựa chọn phương án 2; có 7/355 đại biểu Quốc hội (chiếm 1,97%) không lựa chọn 1 trong 2 phương án mà đề xuất phương án khác.
Căn cứ kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo phương án 1 được đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn và đây cũng là phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, phương án được đa số đại biểu lựa chọn có nhiều ưu điểm hơn, như: Bảo đảm tính kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ hạn chế gây xáo trộn trong xã hội.
Phương án này thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TƯ “giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí” và hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua. Quy định như dự thảo cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về bảo hiểm xã hội và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta.
Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong một số trường hợp đặc biệt, nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên xuống còn từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu. Người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1-1-2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Luật của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh như sau: Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1-1-2016, được điều chỉnh theo mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí; đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1-1-2016 trở đi, được điều chỉnh như quy định.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Luật của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Luật quy định công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện: Từ đủ 75 tuổi trở lên; Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.