An toàn thực phẩm

Mỹ Đức: Siết chặt kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh 29/06/2024 - 06:36

Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Mỹ Đức đã tích cực thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Cùng với đó, huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sản xuất theo hướng an toàn.

attp.jpg
Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Mỹ Đức kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Trường Mầm non Tế Tiêu. Ảnh: Thiện Tâm

Vẫn còn những tồn tại, hạn chế

Để nâng cao ý thức cho người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các chủ hộ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Quyết Thắng, chủ nhà hàng Quyết Thắng (xã Hương Sơn), cho biết, không chỉ đồ ăn làm ngon mà cửa hàng của gia đình ông còn chú trọng tới vấn đề bảo đảm sức khỏe cho khách hàng. Tất cả các loại thực phẩm tại nhà hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và tươi sống.

Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, huyện Mỹ Đức còn tăng cường kiểm tra tại các bếp ăn tập thể ở trường học, nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Đánh giá về công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2024, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 4.738 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm từ huyện đến xã, thị trấn đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã kiểm tra 308 cơ sở, trong đó tuyến huyện kiểm tra được 68 cơ sở; tuyến xã, thị trấn kiểm tra được 240 cơ sở. Các đoàn kiểm tra đã xử lý 9 cơ sở vi phạm các điều kiện an toàn thực phẩm với số tiền 19 triệu đồng.

Hiện tại, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm của chính quyền một số xã triển khai còn chậm. Nhận thức của người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế, như: Không bảo đảm vệ sinh trong và ngoài khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm; mặc trang phục bảo hộ lao động không đầy đủ; thiếu giá kệ để kê, chứa đựng thực phẩm. Việc sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân chưa được kiểm soát chặt chẽ; chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao tại địa phương. Đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và chủ yếu thực hiện nhiệm vụ theo hình thức kiêm nhiệm. Ngoài ra, địa phương thiếu các test xét nghiệm nhanh cho ngành Nông nghiệp, Công Thương và công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn hạn chế.

Xử lý nghiêm những vi phạm

Từ nay đến cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Để công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh thông tin, huyện yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện đúng các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng cần thận trọng lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ; không nên mua, tích trữ quá nhiều. Việc chế biến, bảo quản thực phẩm cần làm đúng cách, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe... Huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế cùng với Đội Quản lý thị trường số 23 tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, huyện yêu cầu, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, tập trung vào những mặt hàng được người dân tiêu thụ nhiều và có yếu tố nguy cơ cao. Đồng thời, xử lý nghiêm những vi phạm về chất lượng và điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định; triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2024.

Đồng thời, huyện đề nghị, các sở, ngành liên quan của thành phố tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm; tham mưu UBND thành phố bố trí cán bộ làm công tác chuyên trách trong lĩnh vực an toàn thực phẩm từ huyện đến xã, thị trấn và có chính sách đãi ngộ phù hợp với từng vị trí việc làm.

Huyện Mỹ Đức đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung; hình thành và phát triển chuỗi về nông nghiệp sạch, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao trong kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc; xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm; biểu dương các mô hình điểm về an toàn thực phẩm; mô hình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm an toàn, hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn.