Chính trị

HĐND thành phố Hà Nội: Nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri chuyên đề

Tuấn Việt 29/06/2024 - 06:29

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến hoạt động tiếp xúc cử tri để cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri.

Điểm nhấn của hoạt động này trong tháng 6-2024 là hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây cũng là nội dung nhiều cử tri quan tâm đặt câu hỏi trực tuyến chuyên mục “Trao đổi của cử tri với cơ quan dân cử” (địa chỉ: https://dbndhanoi.gov.vn/).

txct.jpg
Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Những câu hỏi đặt ra từ thực tiễn

Thực tế, thời gian qua, công tác tuyên truyền chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động luôn được thành phố Hà Nội coi trọng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bắt kịp xu thế và sự thay đổi của xã hội. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên, đa dạng ngành, nghề và doanh nghiệp tham gia với số lượng lớn vị trí việc làm, đã góp phần vào công tác giải quyết việc làm trên địa bàn Thủ đô.

Tuy vậy, hoạt động xác định và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp, cũng như hoạt động đánh giá nguồn cung nhân lực, dự báo nhu cầu việc làm của người lao động trên thị trường lao động còn hạn chế. Các sản phẩm dự báo thị trường lao động còn ít, có lúc chưa kịp thời. Công tác báo cáo định kỳ của các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm còn chậm, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác quản lý, phân tích, dự báo về thị trường lao động. Việc làm là vấn đề "nóng", thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Vì vậy, tại buổi đối thoại, đã có rất nhiều câu hỏi của đại biểu và cử tri gửi đến các cơ quan chức năng.

Trong đó, đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ Ba Vì) cho rằng, hiện nay, lực lượng lao động bán thời gian, làm thêm rất nhiều, chủ yếu là sinh viên, lao động tự do. Tình trạng lao động bị “quỵt lương”, không được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về bảo hiểm, y tế vẫn diễn ra, vì thế cần có giải pháp quản lý, xử lý cụ thể. Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh) nêu, quá trình đô thị hóa đã thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn ra thành thị để tìm việc làm, dẫn đến khu vực nông thôn bị thiếu lao động. Vì thế, cần có các giải pháp khuyến khích, giữ chân người lao động nông thôn ở lại, để họ được tham gia đào tạo, thực hành để giữ nghề và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Cử tri Nguyễn Văn Kiên (quận Ba Đình) cho rằng, vì tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đã diễn ra từ lâu, nên cần có giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, thợ lành nghề có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề.

Còn cử tri Trần Quang Hưng (quận Hai Bà Trưng) đặt vấn đề, ngành bán dẫn toàn cầu có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng chất lượng yêu cầu cao, thành phố nhìn nhận vấn đề này thế nào và có những hành động gì trong thời gian tới? Nhiều nhà máy da giày, quần áo, điện tử đặt ở các tỉnh ven Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng không thể tuyển được lao động từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố do trái tuyến. Ngược lại, doanh nghiệp đóng tại Hà Nội cũng khó tuyển nhân lực từ các tỉnh, thành phố. Vì vậy, Hà Nội có chủ trương gì để liên kết nguồn nhân lực trong vùng được hiệu quả hơn?

Trả lời của cơ quan chức năng

Với tinh thần trách nhiệm cao, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã trao đổi, trả lời các vấn đề cử tri nêu, trong đó nhấn mạnh nhiều đến nhóm giải pháp thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam cho biết, Sở sẽ nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Đáng lưu ý, Sở cũng tham mưu thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ. Thành phố tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững, nhất là việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thành phố ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, những kiến nghị của cử tri là chính đáng, thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo đẩy mạnh nhóm giải pháp tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố. Thành phố chú trọng tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động việc làm; cung cấp đầy đủ và phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức, để người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước có nhu cầu khai thác, sử dụng nhằm phục vụ hoạt động giao dịch việc làm thuận lợi, tạo cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo nghề và nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách phát triển thị trường lao động.

“Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực Thủ đô, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, nghề nghiệp, các ngành nghề dịch chuyển dưới tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19 và các ngành nghề đang phát triển, thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng tham gia vào thị trường lao động”, đồng chí Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, nhưng có thể khẳng định hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội” có nhiều điểm mới, chất lượng, tính lan tỏa cao. Ngoài tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 30 điểm cầu quận, huyện, thị xã, Thường trực HĐND thành phố còn nhận được hơn 60 ý kiến, câu hỏi của đại biểu, cử tri qua trang thông tin điện tử. Bên cạnh phần trả lời trực tiếp của lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành, Thường trực HĐND thành phố đã tổng hợp, chuyển các câu hỏi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời cử tri.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc tiếp xúc cử tri chuyên đề về dạy nghề, giải quyết việc làm rất trúng trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri. Những kiến nghị, đề xuất của cử tri cần phải có giải pháp căn cơ, bảo đảm cung - cầu hợp lý; chú trọng đánh giá kỹ lĩnh vực nào cần để đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ngoài giải pháp của UBND thành phố, đây cũng là những dữ liệu quan trọng để HĐND thành phố xem xét, nghiên cứu, tiếp tục ban hành chính sách phù hợp đối với lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.