Tầm nhìn mới, vận hội mới
Thông tin rất vui đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội là sáng qua 28-6, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Đây là khung khổ pháp lý đặc biệt quan trọng không chỉ có ý nghĩa đối với công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô mà còn đối với cả nước.
Trước hết có thể thấy, Luật Thủ đô (sửa đổi) là dự án luật khó, mang tính đặc thù, đa ngành, có nhiều nội dung khác với một số luật hiện hành. Vì vậy, quá trình soạn thảo, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền đã được Chính phủ, thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan thực hiện kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy trình theo quy định hiện hành. Đặc biệt, trên nghị trường Quốc hội khóa XV (kỳ họp thứ sáu và kỳ họp thứ bảy), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, thảo luận sôi nổi và đóng góp nhiều ý kiến quý báu, sâu sắc, đi vào từng vấn đề cụ thể, hướng đến mục tiêu là bảo đảm tính khả thi cao nhất khi luật được thông qua.
Về tổng thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua đã thể chế hóa các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các nội dung liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5-5-2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên tinh thần đó, đi vào những vấn đề cụ thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua lần này đã kế thừa những nội dung tinh túy nhất của Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời bảo đảm tính toàn diện, bao quát toàn bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Quan trọng và ý nghĩa hơn, nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) không phải trao đặc thù, đặc quyền cho Hà Nội, mà là tạo điều kiện thuận lợi nhất để thành phố thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện vai trò Thủ đô là trái tim của cả nước. Nói cách khác, các điều khoản của luật theo hướng phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho thành phố và đi cùng là gắn liền với trách nhiệm cao cả, nặng nề nhưng cũng rất đỗi tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong quá trình hiện thực hóa đạo luật quan trọng này.
Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ mở ra không gian pháp lý mới cho Thủ đô phát triển một cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là những vấn đề lâu nay được dư luận rất quan tâm. Cụ thể, về tổ chức chính quyền thành phố, Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, luật đã phân cấp, phân quyền trực tiếp cho HĐND thành phố, UBND thành phố với những phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể. Song song, luật cũng đưa ra quy định cụ thể để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền. Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô; phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc; đầu tư phát triển đường sắt đô thị… Đáng chú ý, thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước; giao quyền cho Thủ đô quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư; quy định mức tiền phạt trong thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…
Phải khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc đối với thành phố Hà Nội và cả nước.
Với ý nghĩa đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) kết hợp cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển Thủ đô. Quan trọng hơn, đây sẽ là những văn bản pháp lý “xương sống” phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống là góp phần hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Luật Thủ đô (sửa đổi) là hành lang pháp lý thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới, từ đó tạo nên khát vọng mới, vận hội mới cho mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến tiếp tục vươn lên mạnh mẽ theo thế rồng bay.