“Khơi thông” du lịch Hà Tĩnh, tạo điểm nhấn cho vùng Bắc Trung Bộ
Mặc dù có nhiều tiềm năng, đặc biệt là du lịch biển, du lịch nông nghiệp nhưng so với nhiều tỉnh miền Trung, Hà Tĩnh vẫn được xem là “vũng trũng du lịch” do chưa khai thác hết các tiềm năng.
Tài nguyên tự nhiên đa dạng
Hà Tĩnh có tiềm năng du lịch khá toàn diện, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú như núi Hồng, sông La, đèo Ngang, dãy Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, vườn quốc gia Vũ Quang. Ngoài ra, Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, nhiều bãi tắm đẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử, văn hóa như Đại thi hào Nguyễn Du, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, chùa Hương Tích, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc...
Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh Trần Nguyễn Huỳnh, cùng với tập trung thế mạnh là du lịch biển với những bãi biển đẹp hoang sơ như: Xuân Thành, Thiên Cầm, Thạch Hải, Đèo Con, Hà Tĩnh đang phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, phát huy lợi thế tự nhiên, sinh thái để xây dựng sản phẩm du lịch xanh bền vững.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, năm 2023, tổng lượt khách tham quan đạt 3.361.000 lượt khách (tăng 110% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 34% so với kế hoạch cả năm 2023). Vào một số thời điểm, như dịp nghỉ lễ 30-4, 1-4 vừa qua, nhiều điểm du lịch Hà Tĩnh đông kín khách vui chơi, tạo sức hút mới cho khu vực Bắc Trung Bộ.
Tạo thương hiệu du lịch Bắc Trung Bộ
Mặc dù được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch biên giới (giáp Lào) nhưng Hà Tĩnh vẫn bị đánh giá là “vùng trũng” của du lịch miền Trung. Tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp du lịch Hà Nội diễn ra vào sáng 28-6, đa số các doanh nghiệp du lịch cho rằng, du lịch Hà Tĩnh còn đơn giản, hạ tầng đầu tư đơn sơ nên chưa thu hút được các đơn vị lữ hành. Với những khách lẻ, Hà Tĩnh mới là điểm dừng chân, chưa phải là điểm lưu trú hấp dẫn.
Để “khơi thông” cho du lịch Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, với những tiềm năng hiện có, Hà Tĩnh cần xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng, tầng lớp khác nhau. Ngoài ra, các điểm đến cần có sự sáng tạo, đổi mới trong việc trưng bày các sản phẩm, đưa ứng dụng công nghệ vào phục vụ khách.
Đồng quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH du lịch, quản lý khách sạn và bất động sản (VOH) Nguyễn Văn Quảng gợi ý, các hệ thống dịch vụ tại các điểm du lịch cần phải được nâng cấp chuyên nghiệp như hệ thống nhà vệ sinh, chính sách thanh toán điện tử linh hoạt.
Còn theo Giám đốc Công ty lữ hành S-Travel Nguyễn Hồng Thắng, Hà Tĩnh cần có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho các khu du lịch, tránh đầu tư dàn trải, ồ ạt làm mất cảnh quan, bản sắc, có thể gây lãng phí, trong đó cần tập trung cho du lịch sinh thái, tự nhiên.
Đóng góp cho hoạt động liên kết du lịch giữa Hà Nội với tỉnh Hà Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch tới các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Tĩnh Trần Quốc Lâm thông tin, tới đây, Hiệp hội sẽ thực hiện chương trình ký kết với đường sắt Việt Nam với kỳ vọng sẽ mở thêm tuyến mới để du khách miền Bắc dễ dàng du lịch Hà Tĩnh.
Từ ngày 26 đến 28-6, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO với sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp tổ chức chuyến khảo sát các điểm du lịch nông nghiệp và các cơ sở làng nghề, sản xuất sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh như: Hồ Thiên Tượng (xã Hồng Lĩnh), chùa Hang (xã Hồng Lĩnh), đền Cả (xã Hồng Lĩnh), Khu du lịch văn hóa - sinh thái Hải Thượng (huyện Hương Sơn), HTX mật ong (huyện Hương Sơn), cơ sở sản xuất, kinh doanh trầm (huyện Hương Khê)...