Nghiên cứu đồng bộ quy hoạch đô thị và nông thôn
Sáng 28-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho biết, thời gian qua, hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn được quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng và một số nội dung được quy định tại nhiều Luật khác có liên quan. Việc tổ chức thực hiện các nội dung này phải tham chiếu ở nhiều quy định khác nhau, vẫn còn sự chồng chéo, chưa thống nhất, chưa cụ thể, gây khó khăn khi áp dụng, thi hành.
Do đó, đại biểu bày tỏ đồng tình, nhất trí cao về sự cần thiết phải khẩn trương nghiên cứu, sớm ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế và hệ thống hóa, cụ thể hóa các nội dung trong cùng một Luật, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Góp ý dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn Thừa Thiên – Huế) cùng ý kiến của một số đại biểu cho rằng, trong hai quy hoạch cũng có một số điểm chồng chéo, do đó ban soạn thảo cần quan tâm tiếp thu, sửa đổi. Bên cạnh đó, nếu tích hợp hai quy hoạch này cũng có những vấn đề khó khả thi đặt ra. Ví dụ, kỳ quy hoạch chưa tương đồng, mức độ tương thích giữa các ngành, lĩnh vực...
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen. Các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này.
Cho biết dự thảo Luật này quy định cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan thẩm định phải độc lập, tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội), trên thực tế việc này rất khó thực thi. Đại biểu khuyến nghị, do đặc thù của quy hoạch kiến trúc, không nhất thiết phải quy định cơ quan thẩm định và tổ chức lập quy hoạch phải độc lập.
Đối với quy định dự thảo Luật này về hình thức và lựa chọn tư vấn quy hoạch nhất thiết phải có hình thức giao việc và đặt hàng, hình thức đấu thầu và thi tuyển mang nặng hình thức dự án đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trúc Anh cũng khuyến nghị mỗi tỉnh, thành phố từ đô thị loại II trở lên nên triển khai công tác quản lý kiến trúc thường xuyên trên địa bàn. Các đô thị loại I trở lên phải có Sở quy hoạch kiến trúc thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch kiến trúc.
Tiếp thu, giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến phạm vi, nội dung, đối tượng, mối quan hệ của dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, quản lý theo các cấp chính quyền. Trong đơn vị hành chính đô thị có một phần nông thôn và trong đơn vị hành chính nông thôn có một phần đô thị. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu đồng bộ để đáp ứng yêu cầu về sự chuyển hóa giữa đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.
Dự thảo luật đã phân định rõ quy hoạch nông thôn với quy hoạch đô thị; quy định rõ các hoạt động trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn, các đối tượng không gian lập quy hoạch cũng được xác định trong dự thảo luật. Theo đó, nội dung quy hoạch nông thôn tập trung vào xây dựng, tổ chức phân bố dân cư nông thôn trên cơ sở đánh giá, lựa chọn không gian đất đai trên toàn bộ phận ranh giới lập quy hoạch. Còn các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi... theo quy hoạch của luật chuyên ngành.