Nghị quyết và Cuộc sống

Hà Nội tiên phong thực hiện Đề án 06:Người dân được hưởng nhiều lợi ích

Mai Hữu 28/06/2024 - 06:45

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06) vừa nâng cao chất lượng quản trị điều hành của các cấp chính quyền, vừa giúp người dân hưởng nhiều lợi ích.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Thủ đô Hà Nội đã tiên phong ứng dụng, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án 06.

trong-xe.jpg
Các phương tiện ra, vào bãi đỗ xe trên đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) sử dụng dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt. Ảnh: Tuấn Khải

Hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng

Đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thủ đô theo nhiệm vụ Chính phủ giao với 4/4 nội dung quan trọng. Trong đó, Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh; kết nối chia sẻ dữ liệu về khám chữa bệnh của người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố với 661 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn.

Thành phố cũng đã tạo được dữ liệu của gần 10 triệu người dân với trên 16,6 triệu lượt khám trên phần mềm hồ sơ sức khỏe thành phố; đồng bộ 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo quy định của Bộ Y tế lên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sẵn sàng kết nối hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử VNeID của Bộ Công an. Việc thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng sổ sức khỏe điện tử đã tiết kiệm chi phí khoảng 83 tỷ đồng và các chi phí phát sinh khác.

Với tinh thần tiên phong, Hà Nội là một trong 2 địa phương đầu tiên tổ chức cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID kể từ ngày 22-4-2024. Tính đến nay, hơn 5.000 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp được khai thác qua VNeID và nhận được đánh giá là tiện lợi, thuận tiện, tiết kiệm kinh phí và thời gian cho người dân Thủ đô. Tỷ lệ hồ sơ xin cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID đạt hơn 85%.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, nhằm hỗ trợ, thu hút người dân Thủ đô tham gia trải nghiệm ứng dụng, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội với ước tính 9,7 tỷ đồng, thời gian kéo dài đến hết năm 2024. Việc này tạo tiền đề quan trọng để thực hiện VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1-7-2024.

Với dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt, sau 2 tháng triển khai tại 64 bãi/điểm đỗ xe thuộc 9/30 quận, huyện, thị xã; đã có 148.899 lượt giao dịch với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; tỷ lệ phương tiện thực hiện thanh toán không tiền mặt trung bình đạt hơn 90%. Ước tính, việc tiết kiệm (do thất thu) cho người dân khoảng 10,2 tỷ đồng/năm và giảm chi ngân sách cho các doanh nghiệp trông giữ phương tiện khoảng hơn 4,2 tỷ đồng/năm/64 điểm trông giữ.

“Chạm để kết nối” với iHanoi

Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng khẳng định, việc phát triển và hoàn thiện ứng dụng là tâm huyết và quyết tâm cao của chính quyền thành phố. Hà Nội luôn kiên định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đồng thời khai thác hiệu quả Đề án 06 phục vụ nhóm tiện ích cho công dân số. Từ đó, ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) ra đời sẽ mang đến thông tin hữu ích và tính năng, tiện ích vượt trội, tạo môi trường tương tác giữa chính quyền với người dân Thủ đô.

iHanoi là nền tảng để phát triển mục tiêu chính quyền số, công dân số và xác thực thông tin thiết yếu, quan trọng qua mã QR của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; ứng dụng xây dựng trên phiên bản ứng dụng cho thiết bị thông minh và ứng dụng web; đã hình thành 4 nhóm tiện ích phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đến nay, 1,73 triệu sổ sức khỏe của người dân Thủ đô được tạo lập, hiển thị công khai trên VNeID và tích hợp trên iHanoi phục vụ nhu cầu tra cứu; gần 3,5 triệu sổ sức khỏe người dân Thủ đô được làm sạch, sẵn sàng công khai trên VNeID và iHanoi.

Thời gian tới, iHanoi được bổ sung các tiện ích: Khảo sát ý kiến người dân; tiếp nhận kiến nghị cử tri; tra cứu điểm đỗ xe và đặt chỗ trước, thanh toán; tra cứu dịch vụ tuyến xe buýt; tra cứu sổ liên lạc điện tử, tuyển sinh đầu cấp; dịch vụ thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại; nâng cấp tính năng tin tức Hà Nội… Đặc biệt, tài khoản số của công dân sẽ tạo lập duy nhất và áp dụng cho tất cả các ứng dụng, tiện ích, dịch vụ phát triển trên môi trường điện tử của Thủ đô.

Với ý tưởng thiết kế giải pháp tổng thể phòng họp thông minh, việc xây dựng phòng họp thông minh kết nối với hệ thống “iCabinet” đã hỗ trợ tạo lập các cuộc họp thuận lợi, nhanh chóng, giúp chủ tọa điều hành cuộc họp dễ dàng bao quát toàn bộ cuộc họp, kiểm soát chính xác thành phần tham dự họp. Đồng thời, giúp chủ tọa ghi nhận đầy đủ, chính xác các ý kiến phát biểu, dễ dàng tra cứu, tìm kiếm được đầy đủ thông tin về các cuộc họp đã diễn ra (khi cần), góp phần tiết giảm tối đa thời gian, công sức, kinh phí so với cuộc họp truyền thống. Dự kiến, mỗi năm toàn thành phố tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.

hai-phan.jpg

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan:

Đánh giá cao 3 nội dung đang triển khai

Việc thành phố triển khai 3 nội dung phục vụ người dân, chính quyền, doanh nghiệp gồm: Sổ sức khỏe điện tử, công dân Thủ đô số và phòng họp thông minh không cần dùng giấy tờ đã được Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đồng tình, đánh giá cao.

Cùng với các mô hình thực hiện Đề án 06 đang được Hà Nội triển khai, trong đó nổi bật là việc thành phố hợp nhất các ban chỉ đạo thành Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố, đã tạo sự thống nhất và xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ.

Thành phố Hà Nội tiếp tục được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 giao thí điểm một số nội dung nhiệm vụ của Đề án 06, làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng ra toàn quốc. Điều này đòi hỏi thành phố cần vào cuộc quyết liệt, tích cực hơn nữa, nghiên cứu những cách làm hiệu quả và thiết thực. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm đến việc bảo đảm hạ tầng công nghệ, an toàn thông tin, không để lộ, lọt thông tin; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ ở các xã, phường, thị trấn; tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu và tham gia chuyển đổi số...

van-dung.jpg

Phó Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Nguyễn Văn Dũng:

Chuyển đổi số theo 2 hướng

Với góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ thông tin, chúng tôi cho rằng, thành phố Hà Nội nên tiếp cận chuyển đổi số theo 2 hướng.

Một mặt tập trung xây dựng kiến trúc, quy hoạch và các nền tảng cho chuyển đổi số, thành phố thông minh, như trung tâm dữ liệu, giám sát an toàn thông tin…

Mặt khác xác định các vấn đề lớn đang gặp phải trong các lĩnh vực: Đời sống, y tế, giáo dục, giao thông… để lựa chọn triển khai nhanh các giải pháp, mang lại hiệu quả tức thời, làm điểm nhấn và lan tỏa các giá trị của chuyển đổi số đến toàn xã hội.

Hà Nội nên ưu tiên tập trung triển khai các nền tảng hạ tầng kết nối, dữ liệu, trung tâm điều hành thông minh. Việc xây dựng các hạ tầng này phải được tiến hành đồng bộ với việc xây dựng các ứng dụng thông minh theo nguyên tắc xuất phát từ cái đang có, sắp xếp lại theo một thiết kế chung.

Về phương thức, thành phố nên tập trung đặt hàng và thuê dịch vụ để tối ưu nguồn lực. Các đơn vị công nghệ lớn có nguồn lực và năng lực sẽ thiết kế, cung cấp dịch vụ dạng chìa khóa trao tay cho thành phố…

trung-hien.jpg

Ông Phạm Trung Hiền, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai:

Tiện ích giúp nâng cao cuộc sống người dân

Được biết, thành phố Hà Nội sẽ ra mắt một loạt ứng dụng chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong việc phát triển, cung cấp các tiện ích công nghệ, góp phần phục vụ, nâng cao đời sống người dân, giúp người dân ngày càng thuận lợi hơn trong cuộc sống cũng như tương tác với cơ quan chức năng.

Trong số các ứng dụng này, tôi đặc biệt quan tâm đến Công dân số - iHanoi, được giới thiệu với nhiều tính năng, tiện ích, là kênh tương tác giữa người dân và chính quyền. Tôi kỳ vọng, qua ứng dụng này, thành phố chú trọng ghi nhận ý kiến của người dân và phản hồi thông tin nhanh nhất, giúp giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân trong đời sống, sinh hoạt.

Tôi cũng mong thành phố chú trọng việc vận hành để các ứng dụng, dịch vụ hoạt động trơn tru, tránh bị lỗi, gây bức xúc cho người dân. Hơn nữa, thành phố nên quan tâm vấn đề an toàn bảo mật cho người dùng trước việc tấn công mạng ngày càng gia tăng. Ngoài ra, thành phố chú trọng tập huấn cho người dân về ứng dụng, dịch vụ, với các nội dung, hình thức dễ hiểu, dễ tiếp cận.

Thành - Nga ghi