Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII-2024 với chủ đề “Kinh tế xanh - trách nhiệm của nhà sản xuất”.
Diễn đàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 27-6 tại Hà Nội.
Tham dự Diễn đàn có đồng chí: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chiến lược và tư vấn chính sách cùng 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp...
Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, chia sẻ: Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu NetZero.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó, số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa chuyển biến rõ nét.
Do vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.
Từ thực tiễn đó cho thấy, chúng ta cần có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”; đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; doanh nghiệp, người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện cùng sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội.
Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và môi trường” là sự kiện thường niên và là địa chỉ để các bên liên quan cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực quan trọng, vấn đề “nóng” của ngành Tài nguyên - Môi trường.
Diễn đàn với Chủ đề “Kinh tế xanh - trách nhiệm của nhà sản xuất” tập trung vào phát triển xanh của doanh nghiệp: Trách nhiệm và vướng mắc đang cản trở doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững; thảo luận hành lang cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xanh; vai trò của báo chí truyền thông trong việc đồng hành, tuyên truyền, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế cả về chính sách và hoạt động của các doanh nghiệp.
Về hiện trạng kinh tế xanh ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: Năm 2020, quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam đạt 6,7 tỷ đô, tương đương 2% GDP.
Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam đã giảm khoảng 10-12%/năm; hiện nay, quy mô ước đạt 4-4,5% trong nền kinh tế quốc dân. Việc chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc trên thế giới với công cụ là mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PROVIETNAM), doanh nghiệp được xem là lực lượng “xung kích”, “trọng yếu” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Chúng tôi kỳ vọng, các quy định về phân loại rác tại nguồn, quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ được các địa phương thực thi nghiêm túc, hiệu quả. Khi đó, chúng ta sẽ thực sự có được một hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế rác thải hoàn chỉnh.
Ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cam kết: Với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, Petrovietnam cam kết tiếp tục nỗ lực trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến đóng góp, gợi ý của các đại biểu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu. Mục tiêu chung là bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.